Nguồn gốc Tết Trung thu
Trải qua hàng ngàn năm, con người luôn cho rằng có mối liên hệ giữa cuộc đời và vầng trăng. Trăng tròn và trăng khuyết, niềm vui và nỗi buồn; sự đoàn tụ, sum họp hay chia tay... Cũng từ đó mà trăng tròn được xem là biểu tượng của sum họp và Tết Trung thu cũng được gọi là Tết đoàn viên, Tết của tình thân.
Trong sách sử chính thống hoặc tư liệu, tài liệu sử để lại, chưa có thông tin nào xác định rõ nguồn gốc của Trung thu, hay còn gọi là Tết trông trăng.
Không ai biết Tết Trung thu có từ bao giờ, hoặc chính thức từ khi nào người Việt bắt đầu “ăn” Tết Trung thu. Sách “Việt Nam phong tục” của soạn giả Phan Kế Bính, có ghi lại rằng, Tết Trung thu còn gọi là Tết trẻ em, với tục treo đèn bày cỗ xuất phát từ điển tích liên quan đến lễ sinh nhật vua Đường Minh Hoàng, cả nước treo đèn kết hoa, lâu dần thành tục lệ. Và ở Việt Nam, do những ảnh hưởng từ văn hóa Trung Hoa, cũng theo tục treo đèn vào đêm rằm tháng Tám.
Cụ Phan Kế Bính còn lý giải, tục rước đèn có từ đời Tống, truyền rằng thời vua Nhân Tôn có con cá chép thành yêu tinh, cứ đêm trăng lại biến thành cô gái làm hại người. Lúc đó ông Bao Công giúp dân làm chiếc đèn hình con cá để soi khi đi ngoài đường, khiến con tinh cá chép sợ mà không dám hại người nữa. Cụ Phan Kế Bính cũng giải thích thêm: “Lời ấy huyền hoặc lắm, vị tất đã thật”.
Đèn lồng hình cá đẹp lộng lẫy - Ảnh trong bộ sưu tập của nhà sử học Dương Trung Quốc. |
Sách “Hội hè lễ tết của người Việt” của tác giả Nguyễn Văn Huyên cũng đề cập đến sự tích Trung thu liên quan đến vua Đường Minh Hoàng (thế kỷ VII): “Một đêm rằm tháng Tám, vua ra khỏi cung và được một đạo sĩ chống gậy đến mời lên cung trăng dạo chơi”. Nhà vua đã thấy một thế giới khác hẳn trần gian, cây cối đang trổ hoa, thảm cỏ thơm và mượt như nhung, cung điện nguy nga có chữ “Cung Quảng Hàn”, những nàng thiếu nữ xinh đẹp mặc xiêm hồng và áo trắng múa theo nhạc. Lúc trở về trần gian, nhớ những kỳ quan trên cung trăng, nhà vua đã sai các cung tần múa và đàn ca điệu này”.
Thậm chí, trong sách “Việt Nam Văn Minh Sử” của tác giả Lê Văn Siêu hồi đầu thế kỷ 20, khi phân tích các hình ảnh trên trống đồng Ngọc Lũ (văn hóa Đông Sơn cách đây khoảng 2.500 năm), cũng đề cập đến tháng Tám trăng sáng nhất, cùng các công việc chuẩn bị hội hè trước ngày đông chí, trùng hợp với khoảng thời gian diễn ra Tết Trung thu sau này.
Chỉ biết rằng, Tết Trung thu từ rất lâu rồi không những là ngày Tết của trẻ em, mà còn là dịp thưởng thức những sản vật của mùa thu đang vào độ ngon nhất trong năm, trổ tài nấu nướng, trang trí, và cũng là lúc cả gia đình quần tụ, đoàn viên, như hình ảnh mặt trăng tròn vành vạnh.
Trăng tròn sum họp Tết trung thu
Mỗi năm, đến ngày Trung thu, người dân Việt Nam thường làm lễ cúng trăng và cúng gia tiên. Các lễ vật được bày trong mâm cỗ gồm có hoa quả, bánh nướng, bánh dẻo và rượu. Bánh nướng và bánh dẻo được nặn thành hình vuông và hình tròn tượng trưng cho đất và trời hòa hợp. Điều này khiến cho mâm cỗ trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết. Người dân tin tưởng gia đình sẽ được đất trời phù hộ, vượt qua những tai ương, khó khăn và hưởng niềm vui phú quý.
Tết Trung Thu là dịp để gia đình sum vầy bên nhau, đồng thời cũng là dịp để các em nhỏ được vui chơi, đón nhận những món quà đầy ý nghĩa - Hình minh họa. |
Tết Trung thu diễn ra cũng vào thời điểm kết thúc mùa vụ, công việc nhà nông đỡ bận rộn hơn, các sản vật thu hoạch cũng dồi dào. Khác với Tết Nguyên đán đầu năm mang ý nghĩa kết thúc năm cũ và đón mừng một năm mới, Tết Trung thu có nhiều ý nghĩa, mang những ước vọng, mong muốn của những tầng lớp xã hội khác nhau, như đoán định mùa vụ năm tới, đoán định vận nước, vận vua, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, gửi gắm ước nguyện thành đạt, có vị trí trong xã hội, trong triều đình, thưởng thức những sản vật ở độ ngon nhất trong năm (tổng kết một mùa vụ). Tết Trung thu cũng mang ý nghĩa sự tụ họp, đoàn viên trong gia đình.
Bánh nướng và bánh dẻo được nặn thành hình vuông và hình tròn tượng trưng cho đất và trời hòa hợp. |
Mặc dù cuộc sống của người dân Việt Nam đang ngày một hiện đại hóa nhưng Tết Trung thu không hề bị mài mòn và thay đổi. Bánh Trung thu vẫn được giữ nguyên nét truyền thống, có thêm những loại bánh được làm theo kiểu tây hóa hay những nguyên liệu đắt tiền… nhưng khi bày trên mâm cúng gia tiên, hay mâm cúng trăng vẫn là những chiếc bánh nướng, bánh dẻo truyền thống thơm ngon.
Trẻ em vui Tết Trung Thu. |
Còn những món đồ chơi cho trẻ em hiện nay, có rất nhiều đồ chơi nhập ngoại, đồ điện tử đắt tiền… nhưng những chiếc đèn ông sao, đèn lồng vẫn luôn là món đồ chơi hiện hữu và được yêu thích hơn bao giờ hết trong những ngày Tết Trung thu.
Đối với trẻ nhỏ, Trung thu là một lễ hội thực sự dành riêng cho mình, với đầy đủ từ đồ ăn đến đồ chơi. Và sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Trung thu cũng trùng với thời điểm đến trường của trẻ em, vì thế Trung thu còn mang ý nghĩa gửi gắm ước vọng học hành thành tài của cha mẹ đối với trẻ nhỏ, thông qua các món đồ chơi hay vật dụng được bày trên mâm cỗ.
Phá cỗ Trung Thu. |
Tết Trung Thu ở Việt Nam thường được biết đến là Tết Thiếu nhi, là dịp thể hiện sự quan tâm, chăm sóc trẻ em. Các em được nhận những món quà như đèn lồng, mặt nạ, đồ chơi, được tham gia các hoạt động vui chơi như rước đèn lồng, múa lân, ca hát... Ngoài tác dụng giải trí, những hoạt động này còn giúp trẻ em hiểu và yêu mến hơn các giá trị văn hóa dân tộc.
Vì vậy Tết Trung Thu là một phong tục rất có ý nghĩa. Đó là ý nghĩa của sự chăm sóc, báo hiếu, biết ơn; của tình thân hữu, đoàn tụ và thương yêu. Vì vậy, mọi người, mọi nhà cần phải duy trì và phát triển ý nghĩa cao đẹp này, góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam./.
Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam kêu gọi cộng đồng chung tay khắc phục hậu quả bão lũ Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam kêu gọi cộng đồng chung tay hỗ trợ các hội viên khắc phục hậu quả nặng nề ... |