PGS.TS Thái Thanh Bình - Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật nêu ý kiến với hội đồng thẩm định Tài liệu tập huấn nông nghiệp hữu cơ. |
Trong bối cảnh nông nghiệp hữu cơ đang ngày càng khẳng định vị thế và thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng, việc nâng cao chất lượng đào tạo, tập huấn cho người sản xuất và cán bộ quản lý trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Nắm bắt được xu thế này, Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam (VOAA) đã có bước đi tiên phong trong việc kiểm soát chất lượng tài liệu tập huấn.
Cụ thể, Hiệp hội vừa chính thức thành lập Hội đồng thẩm định Tài liệu tập huấn nông nghiệp hữu cơ, theo Quyết định số 53/2024/QĐ-HHNNHCVN. Hội đồng gồm 10 thành viên, là những chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về nông nghiệp hữu cơ, do ông Hà Phúc Mịch - Chủ tịch Hiệp hội làm Chủ tịch.
Hội đồng có nhiệm vụ thẩm định toàn bộ tài liệu tập huấn do Hiệp hội phát hành, từ nội dung, hình thức đến phương pháp trình bày. Mục tiêu là đảm bảo tài liệu chính xác, khoa học, cập nhật, bám sát thực tiễn sản xuất và dễ hiểu, đáp ứng nhu cầu tiếp thu kiến thức của người học.
GS.TS Đào Thanh Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng, chia sẻ: "Việc thành lập Hội đồng thẩm định tài liệu tập huấn là một bước tiến quan trọng, khẳng định cam kết của Hiệp hội trong việc nâng cao chất lượng đào tạo. Chúng tôi tin rằng, với sự tham gia của các chuyên gia giàu kinh nghiệm, Hội đồng sẽ góp phần chuẩn hóa nội dung tài liệu, giúp người học tiếp cận kiến thức một cách hiệu quả."
Các thành viên của Hội đồng. |
Các thành viên khác của Hội đồng cũng đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học và tổ chức liên quan đến nông nghiệp, như TS. Lê Văn Đức - Nguyên Cục Phó Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT; PGS. TS Cao Văn - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương; PGS.TS Đào Thế Anh - Viện phó Viện Khoa học Nông nghiệp VN; PGS. TS. Thái Thanh Bình - Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật và thủy sản, TS. Lê Mai Nhất - Viện Bảo vệ Thực vật, PGS. TS Trần Thị Hạnh - Nguyên Viện phó Viện Thú y, TS. Phùng Hữu Chính - Chủ tịch HĐQT Công ty ong Miền núi.
Sự tham gia của những chuyên gia này không chỉ đảm bảo tính khách quan, khoa học mà còn tăng cường tính thực tiễn cho tài liệu tập huấn. PGS. TS. Thái Thanh Bình, Ủy viên Hội đồng, nhấn mạnh: "Tài liệu tập huấn cần phải gắn liền với thực tiễn sản xuất, giúp người nông dân dễ dàng áp dụng vào canh tác. Hội đồng sẽ chú trọng đánh giá tính ứng dụng của tài liệu, đảm bảo kiến thức được truyền tải phù hợp với điều kiện sản xuất tại Việt Nam."
Bên cạnh việc thẩm định nội dung, Hội đồng cũng sẽ đóng góp ý kiến về hình thức trình bày, phương pháp sư phạm, giúp tài liệu trở nên sinh động, hấp dẫn và dễ tiếp thu. Đây là một điểm mới, thể hiện sự quan tâm của Hiệp hội đến hiệu quả của quá trình đào tạo.
Có thể nói, việc thành lập Hội đồng thẩm định tài liệu tập huấn là một bước đi chiến lược của Hiệp hội NNHC Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam.