![]() |
Mô hình cấy lúa (SRI) định hướng hữu cơ, giảm phát thải lần đầu tiên được ngành nông nghiệp triển khai trên 50 ha lúa tại xã Liên Mạc, Mê Linh. |
Từ năm 2022, huyện Mê Linh đã áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa, từ làm đất, gieo cấy, phun thuốc đến thu hoạch với tổng diện tích gần 1.000ha.
Chỉ tính riêng trên địa bàn xã Thanh Lâm, tỷ lệ cơ giới hóa đạt khoảng 90%. Nổi bật là mô hình cấy máy kết hợp hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI) theo hướng hữu cơ, giảm phát thải, được ngành nông nghiệp triển khai lần đầu trên 50ha tại xã Liên Mạc. Đây được xem là bước ngoặt quan trọng trong nỗ lực cơ giới hóa sản xuất lúa tại Hà Nội.
Theo bà Lưu Thị Hằng - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội thì phương thức canh tác SRI hiện đã được áp dụng trên khoảng 70% diện tích lúa toàn Thành phố. Vụ xuân 2025 cũng là năm đầu tiên Chi cục phối hợp với huyện Mê Linh đưa máy cấy vào sản xuất lúa SRI theo hướng hữu cơ, phát thải thấp.
Ở cấp thành phố, Hà Nội đang mở rộng diện tích áp dụng mô hình này, phấn đấu đến năm 2030 có 80% diện tích lúa ứng dụng SRI. Hiện, diện tích sản xuất lúa của Hà Nội đạt khoảng 160.000ha, trong đó tỷ lệ lúa chất lượng cao dự kiến tăng từ 62% lên trên 80%.
![]() |
Nông dân trên cánh đồng lúa theo mô hình SRI tại Mê Linh. |
“Bên cạnh đó, theo định hướng của Chính phủ, Hà Nội cũng đặt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Việc áp dụng mô hình SRI không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất lúa khoảng 7 - 8 triệu đồng/ha mà còn tăng năng suất từ 18 - 20% và tiết kiệm 2% lượng nước tưới, góp phần bảo vệ tài nguyên nước và môi trường”, ông Nguyễn Xuân Đại - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội nhận mạnh thêm.
Nhằm thúc đẩy ứng dụng mô hình canh tác tiên tiến, Hà Nội đã triển khai loạt chính sách hỗ trợ mạnh mẽ cho nông dân. Cụ thể, thành phố hỗ trợ 50% chi phí mua sắm máy móc, thiết bị cơ giới hóa sản xuất lúa; hỗ trợ 50% chi phí giống, phân bón và công cấy đối với các mô hình như SRI; dự thảo ban hành nghị quyết với 12 nội dung trọng tâm về hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn; hỗ trợ 100% kinh phí mua thùng chứa thuốc bảo vệ thực vật và thu gom vỏ bao bì, hướng tới xử lý 80% diện tích tại huyện Mê Linh vào năm 2025.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Lưu Thị Hằng, đơn vị đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Môi trường trình UBND Thành phố ban hành kế hoạch phát triển nông nghiệp bền vững giai đoạn 2023 - 2030. Trong đó, trọng tâm là nâng cao kiến thức, kỹ năng cho nông dân, mở rộng diện tích áp dụng mô hình sản xuất tiên tiến và triển khai các chương trình hỗ trợ tín chỉ carbon cho các mô hình thân thiện với môi trường.
Với sự quyết tâm của các cấp, ngành cùng sự hưởng ứng của nông dân, Hà Nội kỳ vọng đạt được những bước tiến quan trọng trong phát triển nông nghiệp bền vững, đảm bảo tăng trưởng kinh tế, đồng thời bảo vệ môi trường một cách hiệu quả.
Năm 2025, Thành phố Hà Nội phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt trên 8%, trong đó ngành nông nghiệp được giao chỉ tiêu tăng trưởng 3,1%. Để đạt được điều này, Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng ngành nông nghiệp, trọng tâm là đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng mô hình canh tác tiên tiến, chuyển đổi cơ cấu sản xuất và thực hiện các chính sách hỗ trợ hiệu quả cho nông dân. “Ngay từ khi được giao chỉ tiêu, ngành nông nghiệp đã xây dựng kế hoạch, đề ra các nhóm giải pháp và giao nhiệm vụ cho từng lĩnh vực, phấn đấu mục tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 3,5% trong năm 2025", ông Đại nhấn mạnh. |