![]() |
Người Tày, Nùng ở Cao Bằng tổ chức Tết Thanh minh vào ngày 3/3 âm lịch hàng năm. |
Thanh minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh
Dù bận bịu đến mấy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là ai cũng phải cố gắng thu xếp công việc về với gia đình để được đi tảo mộ, báo hiếu với người đã khuất. Theo tiếng địa phương, tảo mộ có nghĩa là “slan mạ” hay “slan phằn”.
Tết Thanh minh tương truyền có nguồn gốc từ Trung Quốc. Chuyện kể rằng, đời Xuân Thu, vua Tấn Văn Công, nước Tấn, gặp loạn phải bỏ nước lưu vong, nay trú nước Tề, mai trú nước Sở. Bấy giờ có một hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi theo vua giúp đỡ mưu kế.
Một hôm, trên đường lánh nạn, lương thực cạn, Giới Tử Thôi phải lén cắt một miếng thịt đùi mình nấu lên dâng vua. Vua ăn xong hỏi ra mới biết, đem lòng cảm kích vô cùng. Giới Tử Thôi theo phò Tấn Văn Công trong mười chín năm trời, cùng nhau trải nếm mật nằm gai, vượt bao nhiêu gian truân nguy hiểm.
![]() |
Người Tày, Nùng ở Cao Bằng, vào dịp Tết Thanh minh thường đến mộ ông bà tổ tiên để dọn dẹp sạch sẽ, mời ông bà về ăn Tết với con cháu. |
Về sau, Tấn Văn Công giành lại được ngôi báu trở về làm vua nước Tấn, phong thưởng rất hậu cho những người có công, nhưng lại quên mất công lao của Giới Tử Thôi. Giới Tử Thôi cũng không oán giận mà nghĩ đó là nghĩa vụ quân thần.
Sau đó, ông về nhà đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn. Tấn Văn Công về sau nhớ ra, cho người đi tìm. Giới Tử Thôi không chịu rời Điền Sơn ra lĩnh thưởng, Tấn Văn Công hạ lệnh đốt rừng, ý muốn thúc ép Giới Tử Thôi phải ra, nhưng ông nhất định không chịu tuân mệnh, rốt cục cả hai mẹ con ông đều chết cháy.
Vua thương xót, lập miếu thờ và hạ lệnh trong dân gian phải kiêng đốt lửa ba ngày, chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn để tưởng niệm (khoảng từ mùng 3/3 đến mùng 5/3 âm lịch hằng năm). Từ đó ngày 3/3 âm lịch hằng năm được coi là ngày tết Hàn thực, nhằm tưởng nhớ đến công ơn của những người đã khuất.
Từ thời Lý, nhân dân ta đã tiếp nhận tết Hàn thực nhưng ý nghĩa của ngày Tết này đã biến đổi và mang đậm màu sắc truyền thống, phù hợp với tâm lý cũng như cuộc sống thường nhật của người dân nước Việt. Vào ngày tết Hàn thực, người Việt không kiêng lửa, mọi việc nấu nướng vẫn được thực hiện, chỉ có điều người Việt dùng bánh trôi, bánh chay cho tết Hàn thực với ý nghĩa tượng trưng đó là những thức ăn nguội (hàn thực).
Đối với người Tày, Nùng ở Cao Bằng, vào dịp Tết Thanh minh là nhà ai cũng đều sắm sửa đồ lễ, gồm: xôi ngũ sắc, thịt gà, thịt lợn, măng vầu hấp thịt, cá rán, bánh kẹo, rượu, tiền vàng mã, hương nến..., mang ra mộ tổ tiên để làm lễ.
![]() |
Người Tày, Nùng ở Cao Bằng, vào dịp Tết Thanh minh là nhà ai cũng đều sắm sửa đồ lễ ra thắp hương thăm viếng mộ ông bà tổ tiên. |
Món ăn đặc trưng nhất trong dịp Tết này là món xôi “đăm đeng”. Xôi “đăm đeng” tiếng Tày có nghĩa là xôi đỏ đen. Đây là món xôi nhiều màu sắc: đỏ, xanh, tím, trắng, vàng. Xôi được nhuộm bằng lá cẩm, lá cây sau sau, nghệ, gấc… nên màu sắc rất đẹp mắt, ăn ngon và rất an toàn. Ngoài ra, các màu đó cũng tượng trưng cho Âm – Dương – Ngũ – Hành – Kim.
Vào dịp này, khu nghĩa trang, phần mộ của những người đã khuất được dọn dẹp sạch sẽ rồi vun đắp lên một lớp đất mới. Khắp các sườn núi, mỏm đồi rực rỡ những cây nêu đủ sắc màu ẩn hiện trong làn khói hương nghi ngút.
Người sống quan niệm, khi đốt cháy tuần hương và vàng mã coi như người âm đã nhận đủ lễ vật mà người dương muốn gửi. Khi ngôi mộ được dựng một cây nêu báo hiếu, người thân có thể bày mâm ăn uống hoặc thu lộc mang về nhà.
Tết tảo mộ của người Tày, Nùng ở Cao Bằng gắn liền với đạo đức, bổn phận của con cháu tưởng nhớ công lao của tổ phụ, của những tiền nhân đã khuất. Đây chính là dịp để mọi người sum họp, báo hiếu, trả nghĩa, đền đáp ơn sinh thành, tạo dựng của tổ tiên; nhắc nhở mỗi người nhớ về quê hương, cội nguồn dân tộc.