Ảnh minh họa |
Ngày Khuyến học Việt Nam được lập ra nhằm mục đích động viên và tôn vinh những tấm gương hiếu học, những tập thể và cá nhân có thành tích trong công tác khuyến học; đồng thời tích cực tham gia và đẩy mạnh phong trào học tập, tự học theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại. Đầu năm 1995, trước yêu cầu chấn hưng nền giáo dục, khắc phục tình trạng suy giảm chất lượng đào tạo, nhất là chất lượng giáo dục tư tưởng đạo đức, lý tưởng xã hội chủ nghĩa của một bộ phận học sinh, sinh viên mờ nhạt, số học sinh phổ thông chán học và bỏ học ngày càng nhiều, số người mù chữ tăng lên…,
Đảng ta chủ trương thành lập một tổ chức xã hội có chức năng hỗ trợ các hoạt động dạy và học trong hệ thống giáo dục học đường, vận động người dân đi học để nâng cao dân trí, phát triển sản xuất. Ban vận động thành lập một Hội có chức năng hỗ trợ và khuyến khích phát triển giáo dục đã hình thành và hoạt động. Ngày 29/2/1996, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 122/TTg, duyệt y việc thành lập Hội Khuyến khích và Hỗ trợ phát triển giáo dục Việt Nam (gọi tắt là Hội Khuyến học Việt Nam).
Sau 28 năm Hội Khuyến học Việt Nam thực hiện cuộc vận động toàn dân tham gia khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, “Ngày khuyến học Việt Nam” được ghi vào trang vàng của lịch sử phát triển giáo dục Việt Nam và lịch sử phát triển phong trào giáo dục. Những người làm công tác khuyến học cùng với nhân dân coi ngày 2/10 như một lễ hội giáo dục lớn trong nước. Theo Quyết định 89/QĐ-TTg, mọi hoạt động khuyến học, khuyến tài đều hướng vào việc xây dựng nền kinh tế tri thức đang từng bước hình thành, đẩy mạnh công tác giáo dục người lớn đáp ứng nhu cầu nhân lực của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Từ năm 2019 nhiệm vụ của công tác khuyến học là đẩy mạnh việc thực hiện Kết luận số 49-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đưa Chỉ thị 11-CT/TW vào cuộc sống, đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2020 - 2030. Nhà nước đã ban hành các bộ tiêu chí đánh giá mô hình công dân học tập, đơn vị học tập và thành phố học tập. Để có được một phong trào học tập suốt đời trong nhân dân, Ban Bí thư yêu cầu cán bộ cấp ủy và đảng viên phải gương mẫu thực hiện: - Mỗi đảng viên phải là một công dân học tập; - Mỗi gia đình, đảng viên phải là một gia đình học tập; - Mỗi chi bộ Đảng phải là một đơn vị học tập.
Toàn dân, toàn Đảng chung sức xây dựng một nền giáo dục mở, đẩy mạnh việc chuẩn bị và phát triển các phương thức học tập điện tử, tiến hành từng bước các chương trình học tập trực tuyến, thúc đẩy việc toàn dân học tập suốt đời trên cơ sở phát triển năng lực sử dụng các công nghệ học tập hiện đại... Tham gia vào mạng lưới địa phương học tập toàn cầu do UNESCO điều hành, gắn việc học tập với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, tạo ra trong xã hội môi trường học tập số hóa, từng bước làm cho các khu đô thị thông minh, dễ sống, xanh hóa trên cơ sở xây dựng văn hóa học tập suốt đời trong nhân dân.
Trong phong trào khuyến học, khuyến tài, mọi tổ chức, cá nhân cần phải noi gương tinh thần tự học của Bác Hồ. Bác Hồ luôn tự học, bôn ba khắp thế giới để tìm hiểu, tiếp thu các tư tưởng kiến thức từ các bậc vĩ nhân. Từ đó tự đúc kết lại, đưa ra thành những tư tưởng quan quan điểm sống và đấu tranh cho bản thân nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung. Trước kia Bác Hồ từng nói tới mô hình xã hội học tập: “Người siêng năng thì mau tiến bộ, cả nhà siêng năng thì chắc ấm no, cả làng siêng năng thì làng phồn thịnh, cả nước siêng năng thì nước giàu mạnh”. Bên cạnh đó, Bác Hồ cũng từng nói 4 chữ “Học - Hỏi - Hiểu - Hành” hay “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”
Thực hiện di chúc của Bác những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn tích cực thực hiện theo tấm gương, đạo đức, tư tưởng cách mạng của Bác Hồ. Lĩnh vực khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập cũng đang, đã và sẽ lấy lời dạy của Bác làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động vì sự nghiệp giáo dục ở người lớn. Lấy tư tưởng “Học không bao giờ cùng” mà Người nêu lên soi vào công việc xây dựng mô hình công dân học tập, gia đình học tập, dòng họ học tập, thôn bản học tập, đơn vị học tập.
Phong trào khuyến học đã tiến sang giai đoạn mới. Để có được một xã hội học tập do Đảng đề ra, công tác khuyến học tập trung làm tốt mô hình công dân học tập, bởi muốn xây dựng thành công xã hội học tập thì trước hết, mỗi người dân đều phải học tập suốt đời. Tiếp tục tập trung xây dựng mô hình xã hội học tập chuyên sâu hơn, tập trung đổi mới bắt kịp với tình hình thực tiễn ở các địa phương. Đưa phong trào học tập ở người lớn phát triển mạnh mẽ, bắt kịp cuộc cách mạng 4.0 để dân tộc ta trở thành dân tộc có trình độ cao, có chỗ đứng vững vàng trên thế giới, vì lời dạy của Bác Hồ: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”.
Trong những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền nhân dân các cấp cùng với các tổ chức xã hội trong xã đã không ngừng quan tâm chỉ đạo phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; Việc làm này đã được các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức và các lực lượng xã hội, các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, trong đó các trường trong xã và Hội khuyến học giữ vai trò nòng cốt. Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đã trở thanh phong trào rộng khắp, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, tạo cơ hội cho người dân được học tập, học tập suốt đời, từng bước xây dựng nền nếp một xã hội học tập./.