22 HTX ở Sóc Trăng đã xây dựng và phát triển hơn 100 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3-4 sao - Ảnh minh họa. |
Hiện nay, 22 HTX ở Sóc Trăng đã xây dựng và phát triển hơn 100 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3-4 sao. Chứng nhận OCOP không chỉ là "tấm vé thông hành" giúp sản phẩm tiếp cận thị trường rộng lớn hơn mà còn là động lực để HTX đổi mới, sáng tạo, nâng cao giá trị nông sản.
HTX Thủy sản Tâm An, với sản phẩm khô cá dứa một nắng, là một ví dụ điển hình. Sau khi đạt chứng nhận OCOP 3 sao vào năm 2020, sản phẩm này đã được biết đến rộng rãi, tiêu thụ mạnh tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh lân cận. HTX đã mở rộng quy mô sản xuất, liên kết với các nhà phân phối để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Nhiều HTX khác ở Sóc Trăng cũng gặt hái thành công nhờ chương trình OCOP. Nhãn xuồng Vĩnh Châu, thanh long ruột đỏ, mãng cầu ta, tỏi, hành tím, trứng bào xác artemia... đều đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường.
Ông Phạm Chí Nguyện, Chủ tịch Liên minh HTX Sóc Trăng, cho biết: "OCOP đã giúp các HTX tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường. Tuy nhiên, các HTX cần chú trọng gìn giữ và nâng hạng sản phẩm để duy trì sức cạnh tranh".
Thực tế cho thấy, nhiều HTX đã mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, thiết kế bao bì... để hoàn thiện sản phẩm OCOP.
HTX Thủy sản Hưng Phú ở huyện Cù Lao Dung là một minh chứng. Sản phẩm tôm một gió của HTX đạt OCOP 4 sao vào năm 2019 và đã trở thành đặc sản của địa phương. HTX luôn tuân thủ quy trình sản xuất an toàn, sử dụng nguyên liệu sạch, đầu tư hệ thống lò sấy hiện đại... để gìn giữ và phát triển thương hiệu.
Chương trình OCOP đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, hiện đại.
Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ các HTX tham gia chương trình OCOP, quảng bá, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và đời sống cho người dân.