Dự án có mục tiêu chung là xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn để đăng ký mở rộng phạm vi bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ trên địa bàn tỉnh Kon Tum |
UBND tỉnh Kon Tum vừa ban hành Quyết định số 732/QĐ-UBND ngày 11/11/2024 về việc, phê duyệt dự án khoa học công nghệ về Dự án mở rộng phạm vi bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Theo quyết định, dự án này được thực hiện trong năm 2025, thuộc chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2021-2030 của tỉnh. UBND tỉnh giao Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì dự án khoa học và công nghệ đã được phê duyệt.
Nội dung nghiên cứu là xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc đăng ký mở rộng phạm vi bảo hộ chỉ dẫn lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ trên địa bàn các xã Tu Mơ Rông, Đăk Hà, Đăk Sao, Đăk Rơ Ông (thuộc huyện Tu Mơ Rông); Đăk Man (trừ các tiểu khu 16, 17, 18, 20, 22, 25 và một phần các tiểu khu 19, 21, 23, 24), xã Đăk Plô, Đăk Nhoong, Đăk Choong (trừ các tiểu khu 59, 60, 65 và một phần các tiểu khu 19, 21, 23, 24, cùng thuộc huyện Đăk Glei); xã Đăk Tăng, Măng Bút (thuộc huyện Kon Plông) và Đăk Kôi (thuộc huyện Kon Rẫy). Bên cạnh đó, xây dựng hồ sơ đăng ký mở rộng phạm vi bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ tại Cục Sở hữu trí tuệ…
Dự án có mục tiêu chung là xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn để đăng ký mở rộng phạm vi bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Mục tiêu cụ thể là chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ tỉnh Kon Tum mở rộng được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ theo quy định. (gửi kèm quyết định của UBND tỉnh Kon Tum).
Theo ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, trên địa bàn huyện, các xã đã được cấp chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ là xã Đăk Na, Măng Ri, Ngọc Lây, Ngọc Yêu, Văn Xuôi và Tê Xăng. Nhờ được cấp chỉ dẫn địa lý, sâm Ngọc Linh trên địa bàn đã có thương hiệu, được người tiêu dùng tín nhiệm lựa chọn để sử dụng bồi dưỡng sức khỏe. Những khu vực được cấp chỉ dẫn sâm củ nói trên hiện đang được đồng bào Xơ Đăng và doanh nghiệp cùng nhau liên kết trồng sâm Ngọc Linh, cùng hưởng lợi, làm giàu dưới tán rừng. Đồng bào Xơ Đăng đã trở thành tỷ phú nhờ sâm, có hộ có năm riêng tiền bán hạt sâm, thu được cả 10 tỷ đồng.
Ngoài 6 xã được cấp chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh nói trên, 4 xã đang được đưa vào nghiên cứu mở rộng cấp chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh là Tu Mơ Rông, Đăk Hà, Đăk Sao, Đăk Rơ Ông cũng có tiềm năng, thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi để trồng sâm Ngọc Linh. Đó là những khu rừng già, độ cao thích hợp, khí hậu lạnh. Thực tế tại 4 xã đưa vào danh sách nghiên cứu mở rộng trên, người dân cũng đã thử nghiệm trồng sâm Ngọc Linh và sâm sinh trưởng, phát triển rất tốt.
Việc UBND tỉnh phê duyệt dự án khoa học công nghệ về mở rộng phạm vi bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh" cho sản phẩm sâm củ, là quyết định đúng, trúng, kịp thời, nhằm xây dựng luận cứ vững chắc, làm căn cứ để mở rộng vùng trồng sâm Ngọc Linh, giúp đồng bào Xơ Đăng thêm cơ hội làm giàu nhờ cây sâm Ngọc Linh. Địa phương sẵn sàng hợp tác với các đơn vị được giao nghiên cứu cứu để đề án sớm được hoàn thành, giúp đồng bào làm giàu trên chính tài nguyên của mình./.