Ngày 28/8, Đoàn công tác Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam do TSKH Hà Phúc Mịch – Chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đã có chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Kon Tum. Về phía Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum có bà Y Hằng – Phó Giám đốc và đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông tỉnh Kon Tum.
Đoàn công tác Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam do TSKH Hà Phúc Mịch – Chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, Nhà báo Đỗ Ngọc Thi - Ủy viên BCH, Phó Tổng biên tập Tạp chí hữu cơ Việt Nam làm việc tại Sở Nông nghiêp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum. |
Tỉnh Kon Tum có tổng diện tích đất tự nhiên là 967.729,83 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp 902.391,01 ha gồm: diện tích đất sản xuất nông nghiệp 284.660 ha; đất lâm nghiệp có rừng 616.123,4 ha; đất nuôi trồng thuỷ sản 1.241,28 ha; đất nông nghiệp khác 364,35 ha.
Kon Tum có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên, đất đai màu mỡ, khí hậu mát mẻ phù hợp với phát triển nông nghiệp, đặc biệt tỉnh Kon Tum có 02 tiểu vùng khí hậu riêng biệt với lợi thế phát triển các loại cây trồng tạo ra sự đa dạng các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.
Thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030 được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 885/QĐ-TTg, ngày 23 tháng 6 năm 2020. Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã ban hành Quyết định số 1325/QĐ - UBND, ngày 29 tháng 12 năm 2020. Trong đó, chỉ đạo công tác tuyên truyền, thay đổi nhận thức trong cán bộ và nhân dân về canh tác hữu cơ bằng nhiều hình thức phù hợp; giới thiệu các mô hình mới về nông nghiệp hữu cơ và hiệu quả đạt được để mang tính lan toả, nhân rộng; Tiếp cận và khai thác có chọn lọc thông tin khoa học công nghệ về canh tác hữu cơ từ nhiều nguồn kinh phí và xã hội hóa. Các cấp chính quyền địa phương trên cơ sở nhiệm vụ được giao tại Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã chủ động, cụ thể hóa và triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với điều kiện của địa phương, dần từng bước thay đổi nhận thức trong nhân dân về canh tác hữu cơ, đặc biệt là thay đổi nhận thức, quan điểm về sử dụng các sản phẩm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.
TSKH Hà Phúc Mịch – Chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam trao tặng lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum Tạp chí Hữu cơ Việt Nam |
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Y Hằng - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum đánh giá cao sự quan tâm, hợp tác giữa Hiệp hội hữu cơ Việt Nam và chính quyền tỉnh Kon Tum, trong quá trình thực hiện Đề án 885/ QĐ – TTg. Bên cạnh đó cũng nêu ra một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện như: Việc đánh giá chính xác đối với từng khu vực, từng địa phương trong sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ.
Cơ chế chính sách hỗ trợ cho sản xuất hữu cơ chưa rõ ràng. Các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ, liên kết sản xuất tiêu thụ còn nhiều bất cập. Đội ngũ cán bộ chủ chốt chưa qua đào tạo về nông nghiệp hữu cơ, cơ chế chính sách về tài chính, hỗ trợ cho cá nhân và tổ chức sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn phụ thuộc vào nguồn ngân sách địa phương.
TSKH Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao những kết quả của chính quyền tỉnh Kon Tum đã đạt đựợc trong quá trình thực hiện Quyết định số 885/QĐ-TTg, ngày 23 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Ông khẳng định, việc hợp tác giữa Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam với các địa phương Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Kon Tum là một bước đi quan trọng trong chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững. Nông nghiệp hữu cơ sẽ góp phần nâng cao đời sống người dân, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế địa phương. Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển nông nghiệp hữu cơ không chỉ đối với sức khỏe người tiêu dùng mà còn là yếu tố quyết định để nâng cao giá trị sản phẩm nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Đoàn công tác Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam do TSKH Hà Phúc Mịch – Chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam làm việc với Chi Cục trồng trọt và bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk. |
Ngày 30/8, Đoàn công tác Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam đã có buổi làm việc với Chi Cục trồng trọt và bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk.
Sau khi nghe báo cáo về về việc bổ sung kết quả rà soát, thống kê lại tất cả các Đề án và phát triển nông nghiệp hữu cơ đã được UBND tỉnh Đắk Lắk cho chủ trương triển khai thực hiện từ năm 2016 đến nay.
TSKH Hà Phúc Mịch chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nông nghiệp hữu cơ của tỉnh. Đồng thời ông cũng nhấn mạnh: Để đạt được mục tiêu phát triển nông nghiệp hữu cơ, đòi hỏi cần sự đồng lòng chung tay của các cấp chính quyền và nhân dân.
Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm cùng Chi Cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk |
Các ngành chức năng cần có những chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân chuyển đổi sang canh tác hữu cơ. Các tổ chức chính trị, xã hội cần tăng cường vai trò liên kết, hỗ trợ nông dân trong sản xuất và tiêu thụ. Và bà con nông dân cần quyết tâm thay đổi phương thức sản xuất, áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào thực tiễn, góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên thị trường thế giới./.