![]() |
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến trao đổi thông tin với báo chí. Ảnh Bộ NN&MT |
Thông tin Mỹ áp thuế hàng hóa Việt Nam được Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) Phùng Đức Tiến cập nhật ngay tại hội nghị phòng chống dịch bệnh và phát triển chăn nuôi lợn, diễn ra sáng 3/4/2025, tại Hà Nội.
Chia sẻ về tác động và biện pháp đối phó của ngành nông nghiệp nói chung, thủy sản nói riêng, khi Mỹ điều chỉnh thuế quan nhập khẩu với Việt Nam ở mức 46%, Thứ trưởng Bộ NN&MT Phùng Đức Tiến cho hay, trong cơ cấu thị trường nông sản của Việt Nam, đã xuất khẩu đến hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, năm 2024, Mỹ đứng đầu với giá trị đạt 13,8 tỷ USD, sau đó là Trung Quốc 13,6 tỷ USD. Cơ cấu này cho thấy, lợi thế của chúng ta nghiêng về thị trường Mỹ.
Nông sản Việt Nam vào Mỹ cũng phải đối mặt với nhiều rào cản, đó là thuế chống bán phá giá, phải có tiêu chuẩn tương đương, tuy nhiên chúng ta đều vượt qua được.
Với mức thuế mới của Mỹ, nông sản Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp, tuy nhiên phải “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Chúng ta phải tập trung cho chỉ đạo sản xuất, làm sao nâng cao năng suất, nâng cao chất lượng, nhưng lại có thể hạ giá thành để cạnh tranh với các thị trường khác.
Đương nhiên trong quá trình áp thuế, Việt Nam sẽ tiếp tục có ý kiến với các cơ quan quản lý Nhà nước của Mỹ, vì Mỹ đang là đối tác chiến lược toàn diện đối với Việt Nam.
Cùng với đó, Việt Nam và Mỹ đã thiết lập quan hệ là Đối tác Chiến lược Toàn diện, do vậy cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ tiếp tục đàm phán với cơ quan chức năng của Mỹ để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại của hai quốc gia và tìm giải pháp.
Vừa rồi, Chính phủ đã họp hai phiên bàn thảo về vấn đề này, chúng ta sẽ có giải pháp phù hợp. Đặc biệt là giải pháp về khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đạt được tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn của thị trường Mỹ. Mặt khác chúng ta cũng cần mở rộng thị trường khác, không để phụ thuộc vào một thị trường nào.
Ví dụ, thị trường Trung Quốc với 1,4 tỷ dân, đứng thứ hai trong thị trường nhập khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. Việt Nam còn nhiều mặt hàng có thể xuất sang Trung Quốc, đặc biệt một số sản phẩm đã ký nghị định thư như sầu riêng đông lạnh, cá sấu... Các sản phẩm trồng trọt, thủy sản…, chúng ta có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.
Hay thị trường châu Âu, cũng là thị trường lớn, chiếm tới 44%. Như vậy vừa phải tổ chức lại sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ theo tinh thần Nghị quyết 57 ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia nhằm nâng cao năng suất, nâng cao chất lượng, hạ giá thành, đảm bảo được các tiêu chuẩn, quy chuẩn của thị trường Mỹ. Mặt khác phải mở rộng các thị trường tiềm năng và lợi thế đối với nông sản Việt Nam.
![]() Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh: “Trong xây dựng kế hoạch và kịch bản triển khai, chúng ta ... |
![]() Quý 1/2025, giá trị xuất khẩu nông sản đã đạt 15,71 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước và mục tiêu trong ... |
Vừa rồi, Bộ NN&MT đã họp về mục tiêu tăng trưởng cho ngành nông nghiệp là 4% trong năm 2025. Hết quý I dự kiến đã đạt mức tăng 3,69%. Trong các quý, thường quý II tăng cao hơn quý I, quý IV tăng hơn quý III. Mục tiêu tăng trưởng chúng ta đặt ra trong quý I là 3,7%, chúng ta đã đạt được xấp xỉ.
Thứ nữa, mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm nay là 64 - 65 tỷ USD, ngay hết quý I kết thúc chúng ta đã đạt 15,7 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nếu như có tác động bởi thị trường Mỹ, chúng ta cũng sẽ phải bàn xem tổ chức thực hiện như thế nào, còn định hướng thì đã rõ rồi, tổ chức thực hiện ở các ngành như thế nào, lĩnh vực như thế nào để đạt được mục tiêu mà Chính phủ giao.
Trước đó, ngày 1/4/2025, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp lần thứ nhất Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược.
Việt Nam với vị thế là quốc gia có kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh, trong top 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất và có quan hệ thương mại với hầu hết các quốc gia và có diện mặt hàng xuất nhập khẩu đa dạng. Do vậy, nhiều đối tác đề nghị Việt Nam xây dựng khung pháp lý về kiểm soát thương mại chiến lược, đưa vào các chương trình phối hợp song phương.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đang tích cực triển khai nhiều giải pháp cụ thể để hướng tới cán cân thương mại hài hòa và bền vững với nhiều đối tác thương mại lớn, thí dụ như: Mỹ hay Liên minh châu Âu (EU).
Vì vậy, việc xây dựng được cơ chế kiểm soát thương mại chiến lược hiệu quả cũng tạo nền tảng chắc chắn cho việc tăng cường nhập khẩu công nghệ cao, công nghệ nguồn từ thị trường này, từ đó giúp cân bằng cán cân thương mại.