![]() |
Theo thống kê, tổng diện tích gieo trồng vụ xuân của Hà Nội là 4.948,35ha, trong đó diện tích lúa 3.813,92ha - Ảnh minh họa. |
Trên toàn địa bàn thành phố Hà Nội, nông dân đang tập trung xuống đồng, tăng tốc gieo cấy hết diện tích lúa xuân, bảo đảm đúng khung thời vụ kết hợp các biện pháp phòng chống dịch gây hại cây trồng. Các địa phương cũng chuẩn bị phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với những diện tích khó khăn về nguồn nước.
Nhiều cánh đồng trên địa bàn thành phố đã hoàn thành việc gieo cấy. Thời điểm này, nông dân đang dồn lực gieo cấy lúa xuân; đối với ruộng cấy trước Tết Nguyên đán tập trung chăm sóc, bảo vệ cây trồng. Nhiều hộ nông dân đã chủ động dọn sạch bờ, lấy nước vào ruộng ngâm đất để cấy lúa được thuận lợi. Đến nay, toàn bộ diện tích cấy lúa của nhiều gia đình đã hoàn thành và chuyển sang chăm sóc.
Theo thống kê, tổng diện tích gieo trồng vụ xuân của toàn thành phố là 4.948,35ha, trong đó diện tích lúa 3.813,92ha. Tính đến ngày 18-2, toàn thành phố đã gieo cấy được 3.378ha, đạt 88,6% kế hoạch. Nhiều xã đã hoàn thành 100% diện tích gieo cấy. Các xã còn lại đang tập trung huy động nhân lực, vật lực khẩn trương gieo cấy hết diện tích lúa xuân trong khung thời vụ tốt nhất.
Năm nay thời tiết thuận lợi, nên tiến độ gieo cấy vụ xuân trên địa bàn thành phố bảo đảm tiến độ. Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động bà con tập trung gieo cấy, phấn đấu hoàn thành trong tháng 2-2025.
Nhìn chung, thời tiết cơ bản thuận lợi để gieo cấy lúa xuân trong khung thời vụ; sau cấy, lúa sinh trưởng, phát triển tốt; lúa xuân trà sớm đang giai đoạn hồi xanh, đẻ nhánh... Tuy nhiên, qua thăm đồng cho thấy, đã xuất hiện một số đối tượng sâu bệnh hại, như: Ốc bươu vàng, chuột, bệnh nghẹt rễ...
Các địa phương đã chỉ đạo các xã, thị trấn, cơ quan chuyên môn tăng cường tuyên truyền để nông dân thực hiện phòng trừ dịch hại ngay từ khi mới phát sinh, nên dịch hại được kiểm soát, không phát sinh, không lây lan diện rộng.
Các địa phương cũng tuyên truyền, hướng dẫn mở rộng diện tích ứng dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến SRI: Cấy thưa, cấy nông tay, cấy mạ non, cấy một dảnh; bón phân tập trung, cân đối, kịp thời, không bón thừa đạm; chủ động điều tiết nước theo giai đoạn sinh trưởng của cây trồng; khuyến khích mở rộng diện tích mạ khay, cấy máy. Sau cấy, duy trì mực nước 2-3cm trên mặt ruộng, tỉa dặm để bảo đảm mật độ.
Các địa phương cần khuyến cáo nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, theo dõi diễn biến của sâu bệnh, như ốc bươu vàng, chuột hại, bệnh nghẹt rễ, bệnh đạo ôn... trên cây lúa để có biện pháp phòng trừ kịp thời; hướng dẫn nông dân thu gom nilon sau khi sử dụng che phủ mạ; thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định, tránh gây ô nhiễm môi trường. Nông dân cần bón thúc, vun xới, bảo đảm tưới tiêu phù hợp để cây trồng sinh trưởng thuận lợi, phòng trừ sâu bệnh đúng kỹ thuật.
Đối với trà lúa đẻ nhánh, nông dân cần bón thúc kịp thời, bón cân đối kết hợp làm cỏ, sục bùn, trọng tâm là giảm lượng đạm, sử dụng phân bón NPK đa yếu tố, phân bón chuyên dùng. Sau bón thúc 5-7 ngày, cần rút nước để cây lúa đẻ nhánh sớm, đạt số dảnh hữu hiệu, tạo tiền đề cho năng suất cao...
Đối với những diện tích đất nông nghiệp gặp khó khăn về nguồn nước, các địa phương thường xuyên kiểm tra, rà soát để triển khai các biện pháp chống hạn kịp thời; những diện tích thiếu nước gieo cấy lúa, chủ động lên phương án chuyển đổi sang canh tác cây trồng cạn, tuyệt đối không để đất hoang hóa; tăng cường công tác kiểm tra đối với mặt hàng giống cây trồng, vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn gia súc và xử lý nghiêm trường hợp kinh doanh vi phạm quy định.