Ngày càng có nhiều loại hình robot phục vụ canh tác nông nghiệp với thiết kế đa dạng, đáp ứng được hầu hết nhu cầu khai thác tại Việt Nam |
Robot nông nghiệp bao gồm các loại hình máy móc cơ khí được điều khiển điện tử có thể thực hiện các nhiệm vụ nhanh chóng và chính xác hơn con người, giúp tăng năng suất trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Robot hiện nay có thể thực hiện hầu hết các tác vụ nông nghiệp như gieo sạ, thu hoạch, tưới nước, phun thuốc… tiết kiệm đáng kể thời gian, sức lao động và chi phí cho người nông dân.
Bên cạnh đó, robot nông nghiệp cũng có thể có thể được lập trình để tự hoạt động theo cài đặt phù hợp với điều kiện canh tác, giúp giảm thiểu lượng hóa chất, qua đó gián tiếp bảo vệ chất lượng đất và sức khỏe người sử dụng.
Trong tương lai, việc cắt cỏ thủ công có thể sẽ biến mất để nhường chỗ cho những thiết bị cắt cỏ tự động hiện đại và an toàn |
Máy cắt cỏ hiện đại có thể điều khiển từ xa hoặc thông qua ứng dụng di động. Đây là một công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực làm vườn và chăm sóc cảnh quan.
Máy cắt cỏ điều khiển từ xa giúp tiết kiệm thời gian và công sức so với việc cắt cỏ bằng tay. Người sử dụng có thể điều khiển máy từ xa và quản lý công việc cắt cỏ một cách dễ dàng và thuận tiện, thay vì phải đi lại và thực hiện công việc một cách thủ công. Hơn nữa, máy cắt cỏ điều khiển từ xa giúp giảm nguy cơ tai nạn lao động – một điều thường gặp ở những nước đang phát triển và chưa chú trọng tới bảo hộ lao động như Việt Nam.
Thiết bị gieo xạ tự hành đã được hoàn thiện và sản xuất đại trà bởi một công ty công nghệ nông nghiệp Việt Nam |
Gieo sạ theo phương pháp truyền thống tồn tại rất nhiều vấn đề gây nên giảm năng suất như tốc độ làm việc thấp bởi phải điều khiển trực tiếp bởi con người, thời gian làm việc hạn chế (ban ngày) do cần ánh sáng để làm việc và mật độ gieo không đồng đều do được thực hiện thủ công và dễ xảy ra sai xót. Chính vì vậy, thiết bị gieo sạ tự vận hành là giải pháp tối ưu để người nông dân có thể ứng dụng vào hoạt động sản xuất, giúp tối ưu thời gian, chi phí, nhân công cũng như giải quyết được vấn đề liên quan tới độ chính xác trong mật độ gieo sạ.
Đáng chú ý, hiện nay thiết bị gieo sạ tự hành đã được thiết kế và sản xuất đại trà tại Việt Nam cách đây không lâu với chất lượng cao, mẫu mã đa dạng và đặc biệt tương thích với đặc thù địa hình đất canh tác nông nghiệp tại Việt Nam. Thiết bị gieo sạ tự hành hiện đang được ứng dụng 2 loại động cơ: động cơ đốt trong truyền thống và hiện đại hơn là động cơ điện. So với động cơ đốt trong, động cơ điện tối ưu chi phí tốt hơn và không phát thải, tuy nhiên, hiện nay Việt Nam chưa có năng lực sản xuất pin Lithium dành cho các phương tiện mới mẻ này. Hiện tại, tất cả các cấu phần liên quan tới pin Lithium vẫn đang được các nhà sản xuất nhập khẩu từ các ông lớn công nghệ nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc.
Máy bay nông nghiệp phục vụ tưới tiêu đặc biệt hiệu quả khi sử dụng tại những nông trường có địa hình phức tạp |
Máy bay không người lái (drone) là sản phẩm quen thuộc với người làm truyền thông và được phổ cập từ cách đây khoảng 10 năm với cái tên Flycam. Máy bay nông nghiệp là các loại drone được thiết kế riêng trên nền tảng gốc để thực hiện các hoạt động liên quan đến lao động nông nghiệp như phun thuốc trừ sâu và gieo sạ. Ứng dụng drone vào nông nghiệp là giải pháp tối ưu để phun tưới hóa chất chính xác và hiệu quả trên diện tích rộng, cải thiện năng suất và chất lượng cây trồng. Ngoài ra, máy bay nông nghiệp cũng có thể tiếp cận những khu vực địa hình phức tạp như đồi núi, khu vực dễ sụt lún… giúp hạn chế tai nạn lao động và giảm thiểu sức người.
Sản phẩm máy bay nông nghiệp thường được điều khiển từ xa bởi người sử dụng, điều này khác so với các loại robot nông nghiệp, vì điều kiện trên không tại các nông trường thường có tốc độ gió không ổn định, gây khó khăn cho các thiết bị tự hành. Tuy nhiên, tùy theo tình hình thực tế, người điều khiển có thể can thiệp, điều chỉnh các thông số liên quan tới tác vụ nông nghiệp để tối ưu hoạt động vận hành, do đó thiết bị này không cần thiết phải có chức năng tự động.
Mô tả về phương thức hoạt động của trạm COR trong hoạt động nông nghiệp |
Trạm COR (Continuously Operating Reference Station) là một hệ thống trạm định vị vệ tinh, hoạt động liên tục tại các nông trường có diện tích canh tác lớn. Hệ thống COR kết nối trực tiếp tín hiệu định vị với vệ tinh, sau đó thông qua internet để truyền dữ liệu, tạo thành một mạng lưới trạm liên kết, truyền tải thông tin tham chiếu qua lại lẫn nhau. Nhờ tính chính xác trong việc xác định vị trí và đồng bộ cao, công nghệ này đã được ứng dụng trong nhiều ngành công nghiệp như xây dựng, khảo sát địa chất… trước khi được áp dụng vào canh tác nông nghiệp. Cấu trúc của một trạm COR bao gồm ba thành phần chính: Hệ thống trạm COR, Hệ thống xử lý trung tâm (Máy chủ) và Các cấu phần được sử dụng bởi người vận hành.
Ứng dụng trong nông nghiệp, Trạm COR đóng vai trò là thiết bị dẫn đường cho các robot tự hành và máy bay không người lái tầm thấp, qua đó ổn định tín hiệu và xác định vị trí một cách chính xác bất kể điều kiện độ sáng hay thời tiết.