![]() |
Đảng đã mang lại những mùa xuân khắp nơi (Trong ảnh: Ngày hội Sắc Xuân vùng cao A Lưới năm 2025 - VisitHue). |
Trong Kỷ nguyên của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số không chỉ là một xu thế tất yếu mà còn là một yêu cầu cấp bách đối với mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội. Từ kinh tế, giáo dục, y tế đến quản lý nhà nước đều chịu sự tác động sâu rộng của tiến trình này. Riêng trong lĩnh vực chính trị - tư tưởng, chuyển đổi số lại càng có ý nghĩa đặc biệt, bởi đây là mặt trận trọng yếu, chủ động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, củng cố vững chắc trận địa chính trị - tư tưởng trong lòng nhân dân.
Không gian mạng với đặc tính mở, lan tỏa nhanh, không biên giới và tính ẩn danh cao, vừa là cơ hội, vừa là thách thức. Đảng ta luôn xác định nền tảng tư tưởng là “linh hồn” của sự nghiệp cách mạng, là kim chỉ nam cho mọi hành động. Trước làn sóng chuyển đổi số, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng trên không gian mạng đòi hỏi ngày càng cấp thiết, chuyên nghiệp cùng những giải pháp, linh hoạt, sáng tạo hơn, phù hợp với thời đại.
Chính luận này sẽ tập trung phân tích mối quan hệ giữa chuyển đổi số với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng, từ đó chỉ ra những yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với đội ngũ cán bộ, cơ quan chức năng và toàn hệ thống chính trị, góp phần củng cố vững chắc “thành trì tư tưởng” của Đảng trong thời đại số.
1. Những tác động của chuyển đổi số đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng
1.1. Chuyển đổi số – xu thế tất yếu trong thời đại mới
Chuyển đổi số là quá trình thay đổi toàn diện từ mô hình truyền thống sang ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi mặt của đời sống xã hội. Ở tầm quốc gia, đây là động lực then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội và năng lực của hệ thống chính trị. Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta xác định chuyển đổi số là một trong ba trụ cột chiến lược, làm nền tảng xây dựng Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Sự phát triển của công nghệ đã biến không gian mạng thành một “cuộc sống thứ hai”, là nơi diễn ra hàng loạt hoạt động giao tiếp, học tập và làm việc của mọi người. Trong môi trường này, việc tuyên truyền, phổ biến và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không chỉ còn giới hạn trong báo chí, xuất bản truyền thống, mà đòi hỏi phải chuyển mạnh sang các phương thức số hóa, linh hoạt, đa nền tảng và tiếp cận nhanh.
1.2. Những thách thức đặt ra từ môi trường số
Chuyển đổi số đã và đang phát huy được hiệu quả thiết thực, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng:
Thứ nhất, không gian mạng là môi trường truyền tải thông tin nhanh chóng nhưng rất khó kiểm soát. Những nội dung xấu độc, sai trái, xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng, bóp méo lịch sử cách mạng, bôi nhọ lãnh đạo… Những thông tin sai lệch này thường ẩn mình kín đáo trong các định dạng hấp dẫn như video clip, meme, livestream, deepfake,... khiến mọi người dễ bị đánh lừa nếu không được trang bị trình độ công nghệ và bản lĩnh chính trị cần thiết.
Thứ hai, các thế lực thù địch, phản động tận dụng triệt để ưu thế của công nghệ để tổ chức các hoạt động chống phá từ xa, ẩn danh và liên tục thay đổi phương thức tiếp cận. Chúng sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích dữ liệu người dùng, xây dựng “kịch bản tâm lý” nhằm gây chia rẽ, phá hoại niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ.
Thứ ba, sự chênh lệch trong việc tiếp cận và sử dụng công nghệ giữa các nhóm dân cư, đặc biệt là giữa cán bộ và thanh niên, giữa trung ương và địa phương, vùng sâu vùng xa... vẫn đang là thách thức rất lớn khiến cho việc lan tỏa thông tin tích cực, định hướng tư tưởng đúng đắn bị chậm hơn so với thông tin tiêu cực. Nếu không kịp thời khắc phục sẽ làm suy giảm hiệu quả của công tác tuyên truyền một cách đáng kể.
Thứ tư, hạ tầng công nghệ, nhân lực số phục vụ cho bảo vệ nền tảng tư tưởng vẫn còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, yêu cầu về tính cập nhật, tốc độ phản ứng, khả năng tương tác với cộng đồng mạng đang ngày càng cao, đặt ra sức ép không nhỏ lên các cơ quan chức năng, đội ngũ chuyên trách.
![]() |
Thành phố Huế được vinh danh là Thành phố xanh quốc gia từ năm 2016 (Ảnh: Lê Hoàng) |
2. Những yêu cầu bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong môi trường số
2.1. Đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về vai trò của chuyển đổi số
Một trong những yêu cầu cấp thiết là phải chuyển từ tư duy hành chính, tuyên truyền một chiều sang tư duy mở, linh hoạt, đa chiều trong tiếp cận và xử lý thông tin trên không gian mạng. Bảo vệ nền tảng tư tưởng trong thời đại số không thể chỉ dựa vào mệnh lệnh hành chính hay các phương tiện truyền thông truyền thống. Chúng ta cần phải chủ động ứng dụng công nghệ, khai thác trí tuệ tập thể và phát huy vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân trên nền tảng số.
Cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người làm công tác lý luận, tư tưởng, báo chí, tuyên giáo cần nâng cao năng lực số, hiểu sâu và hành động kịp thời trong môi trường mạng. Không chỉ là người truyền đạt tư tưởng của Đảng, họ còn phải là “chiến sĩ” trên mặt trận tư tưởng số, có khả năng chủ động đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái bằng lý luận sắc bén, phương thức hiện đại và ngôn ngữ gần gũi với cộng đồng mạng.
2.2. Xây dựng hệ sinh thái số về tư tưởng chính trị vững mạnh
Muốn bảo vệ hiệu quả nền tảng tư tưởng trong không gian mạng, cần xây dựng hệ sinh thái số đa dạng, đồng bộ và hấp dẫn, trong đó các nội dung lý luận, chính trị phải được “số hóa” sinh động, dễ tiếp cận và lan tỏa nhanh chóng.
Các cơ quan truyền thông của Đảng cần phát triển nền tảng số riêng, tận dụng các mạng xã hội phổ biến để “đi tắt đón đầu” trong cuộc chiến thông tin. Tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), Big data, phân tích hành vi người dùng để định hướng, sản xuất các nội dung đang là xu hướng tất yếu, cá nhân hóa thông điệp tư tưởng, đặc biệt đối với giới trẻ.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế khuyến khích cộng đồng mạng tham gia sáng tạo nội dung tích cực, lan tỏa thông điệp đúng đắn, làm cho giá trị tư tưởng của Đảng “thấm” vào đời sống số, thay vì chỉ tồn tại trên giấy tờ hoặc trong các diễn đàn lý luận khô khan.
2.3. Hoàn thiện hành lang pháp lý và thể chế bảo vệ tư tưởng trên không gian mạng
Trong bối cảnh không gian mạng ngày càng phức tạp, việc hoàn thiện hành lang pháp lý để bảo vệ nền tảng tư tưởng là yêu cầu sống còn. Pháp luật cần theo kịp sự phát triển của công nghệ, bảo đảm quyền tự do ngôn luận của công dân nhưng đồng thời ngăn chặn hiệu quả các hành vi lợi dụng quyền này để xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước.
Bên cạnh hệ thống luật chính thức, cần xây dựng các quy tắc đạo đức, chuẩn mực văn hóa số trong cộng đồng, đặc biệt là trong các tổ chức Đảng, cơ quan báo chí, trường học và trên các nền tảng mạng xã hội. Việc kết hợp giữa luật pháp, đạo đức và công nghệ sẽ tạo nên một “lá chắn mềm” nhưng hiệu quả để bảo vệ tư tưởng chính trị trước các luồng thông tin sai trái, độc hại.
2.4. Đẩy mạnh công tác đào tạo đội ngũ cán bộ vững lý luận, giỏi công nghệ
Đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo, báo chí, lý luận chính là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ nền tảng tư tưởng. Trong môi trường số, họ cần phải vững về tư tưởng, sắc sảo về lý luận, đồng thời phải thông thạo kỹ năng truyền thông số, phân tích dữ liệu, sử dụng công nghệ truyền đạt nội dung một cách linh hoạt, hấp dẫn.
Đào tạo cán bộ cần gắn lý luận với thực hành số, kết hợp giữa bồi dưỡng tư tưởng và cập nhật công nghệ. Đồng thời, phải phát triển các lực lượng cộng tác viên, lực lượng xã hội tham gia đấu tranh tư tưởng trên không gian mạng, có tổ chức, định hướng và hiệu quả.
3. Các giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ nền tảng tư tưởng trong chuyển đổi số
3.1. Nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng trong quản lý không gian mạng
Xác định sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng luôn giữ vai trò then chốt trong bảo vệ nền tảng tư tưởng trong bối cảnh chuyển đổi số. Vì vậy, cần tiếp tục khẳng định rõ vai trò lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực truyền thông số, bảo vệ an ninh tư tưởng, an ninh mạng.
Các cấp ủy, tổ chức Đảng phải chủ động xây dựng và ban hành các chỉ thị, nghị quyết chuyên đề về công tác tư tưởng trong môi trường số. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện ở các địa phương, cơ quan, đơn vị; gắn trách nhiệm người đứng đầu với hiệu quả bảo vệ nền tảng tư tưởng trên không gian mạng.
3.2. Xây dựng và triển khai chiến lược truyền thông tư tưởng trên không gian mạng
Công tác truyền thông tư tưởng cần được nâng lên thành một chiến lược đồng bộ, dài hạn và chuyên nghiệp. Trong đó, các cơ quan chuyên trách phải làm đầu tàu định hướng, còn các lực lượng xã hội như người nổi tiếng, trí thức, nhà giáo, văn nghệ sĩ, đoàn viên, hội viên… là những “hạt nhân lan tỏa” giá trị tư tưởng cách mạng tới cộng đồng mạng.
Nội dung truyền thông phải được thiết kế linh hoạt, theo xu hướng thị hiếu số: ngắn gọn, dễ nhớ, sinh động, có yếu tố thị giác (video, infographic, animation...), kết hợp giữa thông tin chính thống và cảm xúc cá nhân để tăng tính thuyết phục. Những tư liệu tư tưởng có chiều sâu như tác phẩm Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, Nghị quyết của Đảng… cần được chuyển thể thành các dạng thức truyền thông mới mẻ, phù hợp với các nền tảng như YouTube, Facebook, TikTok, Podcast…
3.3. Tăng cường hợp tác đa ngành, liên kết lực lượng trong bảo vệ tư tưởng số
Không thể bảo vệ tư tưởng trong không gian mạng bằng một lực lượng đơn lẻ. Phải tạo ra liên minh phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tư tưởng, công an, quốc phòng, thông tin – truyền thông, công nghệ số, giáo dục và các tổ chức chính trị – xã hội. Sự phối hợp cần dựa trên cơ chế chia sẻ dữ liệu, cảnh báo sớm, phản ứng nhanh trước các tình huống bùng phát thông tin sai lệch.
Đặc biệt, cần khai thác và phát triển lực lượng “xã hội số” gồm những người am hiểu công nghệ, có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội, có tinh thần trách nhiệm với cộng đồng - để tạo ra một mặt trận nhân dân rộng lớn trên không gian mạng cùng tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
3.4. Phát triển hạ tầng công nghệ, đồng hành quản lý, giám sát tư tưởng số
Để kiểm soát tốt không gian mạng, cần đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ, đồng hành quản lý, giám sát tư tưởng số bằng việc sử dụng trí tuệ nhân tạo, thao tác công cụ, xử lý ngôn ngữ tự nhiên… nhằm phát hiện kịp thời thông tin sai lệch, xuyên tạc, từ đó có phương án xử lý hiệu quả.
Các cơ quan chức năng cũng cần chủ động hợp tác với các nền tảng mạng xã hội lớn (như Meta, Google, Facebook, TikTok...) để yêu cầu gỡ bỏ thông tin sai trái, đảm bảo chủ quyền không gian mạng quốc gia. Đồng thời, cần xây dựng các nền tảng mạng xã hội “nội địa” lành mạnh, hấp dẫn, an toàn – nơi người dùng có thể tiếp cận các nội dung tư tưởng chính trị tích cực, thay vì bị phụ thuộc vào các thuật toán nước ngoài.
3.5. Phát triển văn hóa số, tăng cường “miễn dịch tư tưởng” cho người dân
Muốn phòng chống thông tin độc hại hiệu quả, cần xây dựng một xã hội có khả năng “miễn dịch tư tưởng” từ bên trong. Điều này đòi hỏi nâng cao nhận thức chính trị, khả năng phân tích, phản biện và chọn lọc thông tin cho mỗi công dân số.
Giáo dục văn hóa số cần được triển khai từ nhà trường đến cộng đồng, từ sách vở đến mạng xã hội. Trong đó, lớp trẻ là đối tượng ưu tiên – những người dễ bị chi phối bởi trào lưu nhưng cũng chính là lực lượng nòng cốt kiến tạo tương lai tư tưởng số. Tổ chức Đoàn, Hội, Viện nghiên cứu, các đơn vị đào tạo… phải là những môi trường rèn luyện bản lĩnh chính trị, kỹ năng số và đạo đức trên không gian mạng cho lớp thế hệ kế cận.
![]() |
Cầu Nguyễn Hoàng - biểu tượng mới của TP Huế - được chính thức thông xe kỹ thuật vào ngày 26/3/2025. Cây cầu bắc qua sông Hương có thiết kế độc đáo, tạo điểm nhấn về cảnh quan cho thành phố. (Ảnh: Hoàng Trinh) |
4. Phát huy vai trò của toàn hệ thống chính trị - xã hội trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng trên không gian mạng
4.1. Vai trò nòng cốt, định hướng của Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị
Đảng là lực lượng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối về mọi mặt, trong đó có công tác tư tưởng – lý luận. Vì vậy, trách nhiệm tiên phong thuộc về các tổ chức Đảng, đặc biệt là Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Ban Tuyên giáo các cấp cần phải tập trung, xây dựng chiến lược tư tưởng thích ứng với thời đại số, chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp truyền thông số, định hướng dư luận xã hội, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.
Các tổ chức trong hệ thống chính trị như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh… cần đẩy mạnh các phong trào, diễn đàn, hội thảo, các hoạt động tương tác trên không gian mạng nhằm tuyên truyền lý tưởng cách mạng, phản bác quan điểm sai trái, xây dựng niềm tin cho hội viên, đoàn viên, quần chúng nhân dân.
4.2. Vai trò chủ động của lực lượng báo chí, truyền thông và các cơ quan quản lý thông tin
Báo chí là lực lượng “xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa”, phải hiểu rõ vai trò, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của mình trên mặt trận số. Các cơ quan báo chí cần phát triển theo hướng tích hợp công nghệ, chủ động tạo dựng hệ sinh thái nội dung tư tưởng số chuyên sâu, hấp dẫn, ứng dụng nền tảng đa phương tiện, kỹ thuật số, tăng cường đối thoại, giải thích - không chỉ đưa tin, mà còn phải “tạo niềm tin” hơn đối với mọi người.
Các cơ quan quản lý cũng như các đơn vị chuyên môn từ Trung ương đến địa phương cần làm tốt vai trò kiểm duyệt, định hướng dòng thông tin xã hội, phối hợp chặt chẽ với các nền tảng mạng xã hội, doanh nghiệp công nghệ để kiểm soát nội dung độc hại, kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi tuyên truyền chống phá.
4.3. Vai trò tiên phong của lực lượng thanh niên, trí thức và cộng đồng sáng tạo nội dung số
Thanh niên, nhất là thế hệ Gen Z, là lực lượng chủ lực trên không gian mạng. Họ vừa là người tiếp nhận, vừa là người sáng tạo và lan tỏa thông tin. Do vậy, cần phát huy vai trò “người dùng tích cực” của thanh niên trong việc chia sẻ thông tin chính thống, phản bác các luận điệu sai trái, định hướng giá trị sống nhân văn, tích cực.
Đội ngũ trí thức, nhà khoa học, giảng viên đại học, chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ và truyền thông cần đóng vai trò phản biện khoa học, cung cấp tri thức nền tảng về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các giá trị khoa học chính trị hiện đại. Họ có khả năng kết hợp giữa lý luận và kỹ thuật để sản xuất các nội dung có chiều sâu, dẫn dắt nhận thức xã hội.
Ngoài ra, cộng đồng sáng tạo nội dung số (Content creators, influencers, KOLs...) cần được định hướng đúng đắn để trở thành lực lượng hỗ trợ hiệu quả, tối ưu trong việc lan tỏa giá trị tư tưởng cách mạng một cách gần gũi, thân thiện với đông đảo người dùng mạng.
4.4. Vai trò của người dân - chủ thể hưởng thụ và lan tỏa giá trị tư tưởng
Đối tượng tuyên truyền là người dân, đồng thời là chủ thể đóng vai trò trực tiếp tham gia vào quá trình hình thành, trao đổi và lan tỏa thông tin tư tưởng. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức chính trị, kỹ năng số và trách nhiệm công dân mạng cho người dân là nhiệm vụ mang tính nền tảng.
Gia đình, nhà trường, cộng đồng - đặc biệt trong thời đại giáo dục mở và đa phương tiện - phải là môi trường đầu tiên hình thành nhân cách số nhân văn, bản lĩnh tư tưởng và có nhận thức, trách nhiệm trước những thông tin sai lệch. Một xã hội mà mỗi công dân đều có ý thức giữ gìn nền tảng tư tưởng của dân tộc là một xã hội có sức đề kháng tư tưởng mạnh mẽ, tự bảo vệ được mình trước các tình huống tấn công tinh vi từ bên ngoài.
5. Một số kiến nghị, định hướng nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ nền tảng tư tưởng trong tiến trình chuyển đổi số
5.1. Đẩy mạnh xây dựng chiến lược chuyển đổi số trong lĩnh vực tư tưởng, lý luận
Cần xác lập rõ ràng một chiến lược quốc gia về chuyển đổi số trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng, coi đây là thành phần quan trọng trong công cuộc tổng lực chiến lược chuyển đổi số của quốc gia. Chiến lược này phải đảm bảo sự tích hợp giữa ba trụ cột: chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi tổ chức và chuyển đổi nhận thức trong toàn hệ thống chính trị.
Trên cơ sở đó, mỗi cơ quan, đơn vị, tập thể và kể cả cá nhân cần phải xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, tự mình chuyển đổi số riêng một cách đúng đắn, bảo đảm đồng bộ từ nội dung, hạ tầng đến nguồn nhân lực; nâng cao khả năng giám sát, cảnh báo và phản ứng chính sách trên không gian mạng.
5.2. Đẩy mạnh mọi nguồn lực đối với công tác bảo vệ tư tưởng trên không gian mạng
Chuyển đổi số là quá trình đòi hỏi nguồn lực lớn, có tính cấp thiết, đồng bộ và liên tục. Do đó, cần:
- Tăng cường ngân sách đầu tư cho công nghệ, dữ liệu, hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác tuyên truyền, đấu tranh tư tưởng số.
- Có cơ chế tài chính linh hoạt để hỗ trợ các sáng kiến sáng tạo nội dung tư tưởng số; khuyến khích phát triển các nền tảng mạng xã hội, ứng dụng nội địa có khả năng cạnh tranh và kiểm soát tốt dòng thông tin.
- Xây dựng quỹ hỗ trợ nghiên cứu và phát triển nội dung tư tưởng – lý luận trong môi trường số, thúc đẩy sự tham gia của đội ngũ trí thức, nhà nghiên cứu, chuyên gia trẻ.
5.3. Định hướng phát triển đội ngũ cán bộ tư tưởng – lý luận thích ứng với môi trường số
Cần có các chương trình đào tạo đặc thù cho cán bộ làm công tác tư tưởng, tuyên giáo, báo chí… theo hướng:
- Kết hợp nội dung lý luận chính trị với kỹ năng số, kỹ thuật truyền thông hiện đại, phân tích dữ liệu mạng xã hội.
- Bổ sung kiến thức về truyền thông đa phương tiện, an ninh mạng, tâm lý học truyền thông để nâng cao hiệu quả tuyên truyền và phản bác luận điệu sai trái.
- Thí điểm xây dựng “Trung tâm đào tạo cán bộ tư tưởng số” tại các học viện chính trị và trường báo chí - truyền thông.
- Đồng thời, cần có chính sách đãi ngộ, thu hút và giữ chân nhân lực chất lượng cao, nhất là những người có kỹ năng công nghệ, tư duy sáng tạo, dấn thân vì lý tưởng cách mạng.
5.4. Tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo vệ tư tưởng và an ninh mạng
Trước xu hướng xuyên quốc gia của các nền tảng mạng xã hội và các chiến dịch thông tin sai lệch có yếu tố nước ngoài, Việt Nam cần:
- Chủ động tham gia vào các diễn đàn hợp tác quốc tế về an ninh mạng, kiểm soát thông tin sai lệch, bảo vệ chủ quyền số;
- Thúc đẩy các hiệp định song phương và đa phương với các nền tảng số lớn để thiết lập cơ chế minh bạch, gỡ bỏ nội dung xấu độc theo luật pháp Việt Nam;
- Học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong việc giáo dục tư tưởng, truyền thông chính sách, bảo vệ chủ quyền thông tin từ các nước có nền chính trị vững mạnh và quản lý mạng hiệu quả như Trung Quốc, Singapore, Pháp, Đức...
5.5. Đề xuất hoàn thiện hành lang pháp lý để kiểm soát hiệu quả không gian mạng
Pháp luật hiện hành về an ninh mạng, báo chí, xuất bản... cần được bám sát thực tiễn chuyển đổi số, từ đó cập nhật thường xuyên, hoàn thiện hành lang pháp lý để kiểm soát hiệu quả không gian mạng:
- Ban hành “Luật truyền thông số”, quy định rõ quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động tư tưởng, chính trị trên không gian mạng.
- Hoàn thiện “Bộ Quy tắc ứng xử trên không gian mạng” dưới dạng bắt buộc đối với cán bộ, đảng viên và có tính khuyến khích mọi người dân trong toàn xã hội.
- Xây dựng hệ thống chỉ số đánh giá, mức độ an toàn tư tưởng trên không gian mạng. Từ đó làm cơ sở để giám sát, kiểm tra định kỳ trong các địa phương, ngành, lĩnh vực…
Như vậy, trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra sâu rộng trên toàn cầu và tại Việt Nam, không gian mạng đã trở thành một mặt trận mới - nơi diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệt, phức tạp và dai dẳng giữa các hệ giá trị, tư tưởng và lợi ích. Nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - không chỉ cần được giữ gìn trong sách vở, diễn đàn lý luận, mà phải được khẳng định, lan tỏa, bảo vệ một cách sáng tạo, hiệu quả trong chính môi trường số đang chi phối mạnh mẽ tư duy và hành vi của hàng chục triệu người dân, đặc biệt là giới trẻ.
Trước những thách thức mới, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng đòi hỏi một tầm nhìn chiến lược, một hệ thống giải pháp tổng thể, cũng như sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, cùng với tinh thần trách nhiệm và bản lĩnh chính trị của từng cán bộ, đảng viên, trí thức, thanh niên và công dân số.
Chuyển đổi số không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội lớn - để đổi mới cách thức tuyên truyền, nâng cao hiệu quả giáo dục chính trị, lan tỏa niềm tin và lý tưởng cách mạng trong quần chúng nhân dân. Chính trong môi trường số, nếu biết cách hành động kịp thời, bài bản và sáng tạo, chúng ta hoàn toàn có thể biến mạng xã hội thành “pháo đài tư tưởng mềm” của Đảng, để chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh không ngừng lan tỏa, là kim chỉ nam hành động trong đời sống chính trị - xã hội của đất nước.
Đây không chỉ là nhiệm vụ của một lực lượng, mà là trách nhiệm chung của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của mỗi cơ quan, tổ chức và mỗi người dân Việt Nam yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội. Bảo vệ nền tảng tư tưởng một cách kiên định và sáng tạo trong kỷ nguyên số chính là tiếp nối và giữ vững con đường cách mạng vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn./.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Tuyên giáo Trung ương. (2023). Tài liệu bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho cán bộ, đảng viên. NXB Chính trị Quốc gia Sự thật. Hà Nội.
2. Thủ tướng Chính phủ. (2022). Quyết định số 964/QĐ-TTg ngày 10/8/2022 về việc phê duyệt Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Hà Nội.
3. Bộ Thông tin và Truyền thông. (2020). Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Hà Nội.
4. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. (2022). Giáo trình Công tác tư tưởng trong tình hình mới. NXB Lý luận Chính trị. Hà Nội.
5. Hồ Chí Minh. (2000). Toàn tập (Tập 5). NXB Chính trị Quốc gia. Hà Nội.
6. Nguyễn Phú Trọng. (2021). Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. NXB Chính trị Quốc gia Sự thật. Hà Nội.
7. Nguyễn Trọng Phúc. (2022). “Phát huy vai trò của hệ thống chính trị trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”. Tạp chí Xây dựng Đảng, số 4.
8. Trần Hữu Phước. (2023). “Chuyển đổi số trong công tác tư tưởng – Một yêu cầu cấp bách”. Tạp chí Lý luận Chính trị, số 10.
9. Laanpere, M. (2019). Recommendations on Assessment Tools for Monitoring Digital Literacy within UNESCO’s Digital Literacy Global Framework. UNESCO Institute for Statistics (UIS). Canada.
10. Đảng Cộng sản Việt Nam. (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (Tập 1). NXB Chính trị Quốc gia Sự thật. Hà Nội.