Trong lĩnh vực logistics, bão số 3 khiến 15,4% doanh nghiệp trong ngành gặp khó khăn và 53,6% đối mặt với tình trạng chậm trễ - Ảnh minh họa. |
Cơn bão số 3 (Yagi) tuy đã đi qua, nhưng dư âm của nó vẫn còn đó, in hằn trên những con số thiệt hại đáng kể. Theo thống kê, 26 tỉnh thành chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão chiếm tới 25,81% GDP cả nước, với tổng dư nợ ngắn hạn lên đến 3.952 nghìn tỷ đồng. Ước tính thiệt hại do bão gây ra đã vượt quá 81.500 tỷ đồng, tương đương với 0,15% GDP năm 2024. Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với mức sụt giảm 0,33%. Sản xuất công nghiệp cũng bị đình trệ, gián đoạn chuỗi cung ứng, đặc biệt trong lĩnh vực logistics, khiến 15,4% doanh nghiệp trong ngành gặp khó khăn và 53,6% đối mặt với tình trạng chậm trễ.
Tuy nhiên, bên cạnh những con số thống kê thiệt hại, cũng có những con số khác cho thấy sự phục hồi và tăng trưởng của một số ngành kinh tế. Ước tính hàng trăm nghìn ngôi nhà, công trình công cộng, cơ sở hạ tầng bị hư hại sau bão. Nhu cầu về xi măng, sắt thép, gạch, ngói, vật liệu hoàn thiện... sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, thúc đẩy ngành vật liệu xây dựng phát triển. Các doanh nghiệp trong ngành được dự báo sẽ ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể, đóng góp vào quá trình tái thiết đất nước.
Người dân vùng bị ảnh hưởng sẽ cần mua sắm nhiều mặt hàng thiết yếu, đồ gia dụng, vật dụng sinh hoạt để thay thế những thứ bị hư hỏng. Các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn thương mại điện tử sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu mua sắm tăng cao, góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy nền kinh tế.
Để khôi phục sản xuất nông nghiệp, nông dân sẽ cần đầu tư nhiều vào phân bón. Các doanh nghiệp sản xuất và phân phối phân bón sẽ có cơ hội gia tăng sản lượng, mở rộng thị trường, đáp ứng nhu cầu của người nông dân.
Các dịch vụ cung cấp điện, nước sạch, vệ sinh môi trường, logistics và vận tải sẽ đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh diễn ra thông suốt. Sự phục hồi của các ngành này sẽ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành khác phát triển.
Ngân hàng sẽ tăng cường cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi sản xuất, góp phần thúc đẩy lưu thông tiền tệ, ổn định thị trường tài chính. Bảo hiểm cũng sẽ phát triển mạnh do nhu cầu bảo vệ tài sản, con người tăng cao sau bão, giúp người dân và doanh nghiệp an tâm hơn trước những rủi ro trong tương lai.
Bến Tre: Từ bảo hộ nhãn hiệu đến xuất khẩu Canada |
Hà Nội tập trung nguồn lực khắc phục hậu quả bão số 3 |
Quyết tâm hồi sinh "vựa rau" Tuy Lộc |