Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản lũy kế 11 tháng năm 2024 ước đạt 15,62 tỷ đô la Mỹ, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2023 - Ảnh minh họa. |
Theo Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản lũy kế 11 tháng năm 2024 ước đạt 15,62 tỷ đô la Mỹ, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 10,09 tỷ đô la Mỹ (tăng 22,5%). Gỗ nguyên liệu đạt 4,58 tỷ đô la Mỹ (tăng 17,8 %). Lâm sản ngoài gỗ đạt 0,95 tỷ đô la Mỹ (tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2023). Xuất siêu 11 tháng đạt 13,11 tỷ đô la Mỹ. Ước tính cả năm 2024, xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt trên 17,2 tỷ đô la Mỹ, tăng 18,9% so với năm 2023, vượt 13,1% so với kế hoạch năm 2024.
Kết quả ấn tượng này có được là nhờ sự nỗ lực của ngành lâm nghiệp trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ngành gỗ, góp phần thúc đẩy xuất khẩu.
Tuy nhiên, ngành gỗ Việt Nam vẫn còn một số thách thức cần vượt qua, như phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn hạn chế, thiếu lao động có tay nghề cao.
Để phát triển bền vững, ngành gỗ cần tiếp tục đẩy mạnh trồng rừng, phát triển vùng nguyên liệu gỗ lớn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Đồng thời, cần đầu tư công nghệ hiện đại, nâng cao năng suất lao động, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để nâng cao năng lực cạnh tranh. Ngoài ra, việc tìm kiếm và khai thác các thị trường mới, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu cũng là một yếu tố quan trọng.
Năm 2025, ngành lâm nghiệp phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 4.5-5%. Giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 18 tỷ đô la Mỹ và trồng rừng tập trung đạt 250.000 hecta. Diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững là 70.000 hecta, thu dịch vụ môi trường rừng 3.200 tỷ đồng.