Tỉnh Long An đang tích cực nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm - Ảnh minh họa. |
Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, ngành nông nghiệp tỉnh Long An đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức nhiều lớp đào tạo, tập huấn, triển khai các dự án, mô hình trình diễn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân.
Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh đã tổ chức nhiều hội thảo, tập huấn kỹ thuật và triển khai các dự án, mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp. Các mô hình tập trung vào phục tráng giống lúa, thâm canh mít, chanh, lúa theo VietGAP, chăn nuôi bò, gà, vịt theo hướng VietGAP, nuôi cá tai tượng, cá lóc bông, cá tra, cá chạch lấu, cua biển trong ao...
Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh cũng triển khai nhiều dự án hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa theo VietGAP, thâm canh giống lúa mới, canh tác "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm", mô hình IPHM...
Huyện Vĩnh Hưng đã được Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh hỗ trợ xây dựng vùng lúa ƯDCNC 400ha tại xã Tuyên Bình Tây và mô hình ƯDCNC 50ha tại xã Khánh Hưng. Huyện cũng thực hiện 12 mô hình nhân rộng với diện tích 600ha tại các xã khác.
Ông Phạm Văn Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nông nghiệp công nghệ cao Khánh Hưng, cho biết năng suất lúa sản xuất theo hướng công nghệ cao của HTX đạt 7,5 tấn/ha, lợi nhuận bình quân đạt 32,6 triệu đồng/ha, cao hơn so với ngoài mô hình.
Huyện Tân Hưng cũng triển khai nhiều giải pháp khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân đầu tư phát triển nông nghiệp ƯDCNC. Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo đã giúp thay đổi tư duy, nhận thức của người dân, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất hiệu quả.
Ngành nông nghiệp tỉnh cũng chọn HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tân Bình (huyện Tân Thạnh) làm điểm để thực hiện mô hình canh tác lúa chất lượng cao giảm phát thải, áp dụng máy sạ hàng hiệu ứng đường biên và bón vùi phân bón.
Tuy nhiên, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp một số khó khăn do tập quán canh tác, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu vốn, trình độ nhận thức của nông dân chưa đồng đều...
Để đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tỉnh Long An sẽ tiếp tục kêu gọi, thu hút doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, đồng thời đẩy mạnh xây dựng các mô hình sản xuất ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thích ứng với biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường.
Với mục tiêu đến năm 2030 có 125.000ha diện tích canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp, Long An đang nỗ lực chuyển đổi sang nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân.