![]() |
Đại biểu thăm quan mô hình trồng đỗ đen xanh lòng tại xã Tri Phú, huyện Chiêm Hóa |
Tri Phú là xã vùng sâu của huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Xã có diện tích chuối trên 300 ha, mấy năm trở lại đây giá chuối bấp bênh, việc tiêu thụ sản phẩm chuối phụ thuộc khá nhiều vào tư thương nên gây rất nhiều khó khăn cho người trồng chuối. Nhận thấy nguồn nguyên liệu sẵn có và mong muốn giúp bà con tiêu thụ sản phẩm, chị Phạm Thị Hồng đã vận động thành lập HTX nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát. Và đến tháng 10 năm 2020 HTX nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát đã chính thức được thành lập với 11 thành viên chủ yếu là các hộ gia đình có diện tích lớn về cây chuối.
Sau khi thành lập và đi vào hoạt động, mỗi ngày HTX cũng thu mua được từ 6 đến 7 tạ chuối cho người dân, các sản phẩm chuối sấy khô và chuối sấy dẻo làm ra được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Với nhiều phương thức đổi mới, Hợp tác xã Hồng Phát đã từng bước khẳng định vai trò của mình trong kết nối tiêu thụ nông sản cho người dân ở địa phương. Không chỉ có sản phẩm làm từ chuối, mít…, mấy năm gần đây HTX Nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát còn sản xuất sản phẩm trà túi lọc đậu đen xanh lòng Chiêm Hóa.
Sản phẩm trà túi lọc đậu đen xanh lòng và một số sản phẩm nông nghiệp khác của HTX Nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát đều được trồng, chế biến theo quy trình, sử dụng các loại phân bón an toàn trong suốt quá trình cây sinh trưởng và phát triển.
Riêng đối với sản phẩm Trà túi lọc đậu đen xanh lòng được HTX liên kết trồng, chăm sóc và kiểm soát nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn hữu cơ. Sản phẩm được chế chế biến theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015. Nguyên liệu (hạt đậu đen xanh lòng và hà thủ ô đỏ) sau khi thu mua về được sơ chế qua 11 công đoạn để cho ra thành phẩm trà túi lọc.
Với giá trị dinh dưỡng của sản phẩm trà đậu đen xanh lòng (Canxi: 443,08 mg, năng lượng: 468,00 KCl, Anthocyanin: 2,09 mg, Xơ thô: 5,03% tính trên 100gr), sản phẩm có công dụng rất tốt cho thanh lọc cơ thể, hỗ trợ chức năng gan thận; hỗ trợ giảm cân; tốt cho phụ nữ mang thai, giúp cân bằng sữa mẹ; phù hợp với người cần bổ sung canxi…
Với hương thơm riêng biệt của đậu đen kết hợp với hà thủ ô và vị ngọt thanh tự nhiên, trà túi lọc đậu đen xanh lòng Chiêm Hóa ngày càng được nhiều khách hàng tin dùng. Hiện nay sản phẩm đã có mặt ở 52/63 tỉnh thành như: Gian hàng của Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hà Giang, Khách sạn Mường Thanh Tuyên Quang, các gian hàng OCOP tỉnh Tuyên Quang, siêu thị du lịch OCOP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, sân bay Quốc tế Nội Bài, khu dừng nghỉ Xuân Khiêm - Ninh Bình, khu trưng bày sản phẩm Làng Sen quê Bác, các chuỗi cửa hàng sạch tại Hà Nội…, mới đây nhất sản phẩm trà túi lọc đậu đen xanh lòng còn được Văn phòng Quốc hội chọn làm quà biếu đại biểu.
![]() |
Bà Hà Thị Khiết, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang, nguyên Trưởng Ban Dân vận TW, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban TW MTTQ Việt Nam và các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang, lãnh đạo huyện Chiêm Hóa với gian hàng trưng bày sản phẩm của HTX Nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát |
Để tạo ra vùng nguyên liệu đủ lớn, không ngừng phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, ngoài việc duy trì liên kết vùng trồng 30 ha nguyên liệu với bà con dân tộc Mông ở thôn Khuôn Làn xã Tri Phú, HTX đã mở rộng liên kết vùng trồng thêm 30 ha đậu đen xanh lòng với các xã: Kim Bình, Bình Nhân, Trung Hòa (huyện Chiêm Hóa) và xã Thượng Giáp (huyện Na Hang). Đến nay, HTX đã liên kết ổn định với trên 50 hộ dân và duy trì diện tích 60 ha và cho thu hoạch khoảng 1,4 - 1,6 tấn/1 ha. Bình quân mỗi tháng Hợp tác xã sản xuất ra khoảng 8.000 - 9.000 hộp trà thành phẩm, với giá bán từ 90.000đ - 100.000đ/hộp; tạo việc làm ổn định cho nhiều hộ gia đình tham gia trồng đậu đen và 6 nhân công làm tại xưởng với thu nhập đạt từ 4,5 - 6,5 triệu đồng/người/tháng.
Những nỗ lực của chị Phạm Thị Hồng và tập thể thành viên HTX Hồng Phát đã được ghi nhận xứng đáng: Sản phẩm trà túi lọc đậu đen xanh lòng đã được đánh giá đạt chất lượng OCOP 4 sao vào năm 2021; và năm 2022 được UBND tỉnh Tuyên Quang công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh.
Khi được hỏi về những khó khăn, trăn trở trong sản xuất ra các sản phẩm hữu cơ của HTX cũng như những dự định trong tương lai, Phạm Thị Hồng thành thật trải lòng: “Làm nông nghiệp đã khó và nông nghiệp hữu cơ không hề đơn giản, đó là cả một quy trình hết sức nghiêm nhặt từ khâu tổ chức sản xuất nguyên liệu, chế biến, bảo quản phải tuân thủ các tiêu chuẩn đặt ra. Ngay cả việc tạo mẫu mã, nhãn hiệu, tiêu thụ sản phẩm cũng đòi hỏi phải làm đúng quy trình, và để được công nhận sản phẩm OCOP chất lượng 4 sao là cả một sự nỗ lực không hề nhỏ”.
Về dự định trong tương lai, chị Phạm Thị Hồng cho biết, chị đang cùng HTX phấn đấu nâng cao chất lượng sản phẩm để nâng hạng OCOP lên 5 sao trong những năm tới và nỗ lực đưa sản phẩm trà đậu đen xanh lòng thành sản phẩm “trà quốc dân”. “Có cái tâm và lòng say mê rồi nhưng cũng cần có cả những ước mơ táo bạo nữa mới có thể thành công và đi xa hơn”.