Hiện nay, trên địa bàn xã BLá, huyện Bảo Lâm đang xuất hiện đối tượng sâu ăn lá hại cây dâu tằm gây hại trên diện tích 1,3ha với mật độ trung bình 20-30con/cây, tỷ lệ hại từ 20-100%. Sâu có sức phá hại rất lớn, ăn trụi hết phần thịt lá chỉ còn trơ lại cành và gân lá. Khi hết nguồn thức ăn, sâu di trú sang gây hại các vườn cà phê liền kề, sâu ăn hết phần lá non, thịt lá và ăn cả phần vỏ quả cà phê.
Xảy ra tình trạng sâu ăn lá hại cây dâu tằm trên địa bàn xã BLá, huyện Bảo Lâm |
Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng xác định, đây là loài sâu ăn lá đã xuất hiện và gây hại trên cây dâu tằm tại xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng giai đoạn cuối tháng 7/2023. Tháng 7, 8 hàng năm là thời điểm sâu ăn lá dâu tằm thường xuất hiện và gây hại nặng.
Theo đó, để phòng trừ sâu ăn lá hại cây dâu tằm, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng đề nghị phòng Kinh tế, phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Trung tâm Nông nghiệp các huyện, thành phố khẩn trương tăng cường công tác điều tra, phát hiện, phối hợp chặt chẽ với Hội nông dân, cán bộ khuyến nông các xã, phường, thị trấn, tổ chức điều tra bổ sung, mở rộng khu vực điều tra để nắm bắt tình hình gây hại của sâu ăn lá trên cây dâu tằm nhằm kịp thời phát hiện và triển khai các biện pháp phòng chống.
Đồng thời, tổ chức thông tin tuyên truyền rộng rãi cho các xã, phường, thị trấn có canh tác cây dâu tằm về tình hình xuất hiện và gây hại của sâu ăn lá trên cây dâu tằm để bà con nông dân nắm bắt, chủ động kiểm tra, phát hiện, khoanh vùng phòng trừ kịp thời, không để lây lan trên diện rộng gây thiệt hại cho sản xuất.
Khi phát hiện sâu ăn lá gây hại trên cây dâu tằm, chủ động hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ như, đối với các ruộng dâu đang thu hoạch lá cho tằm ăn, áp dụng biện pháp thủ công bắt sâu bằng tay hoặc rải bạt xung quanh gốc và rung cây cho sâu rụng xuống và tiến hành thu gom, tiêu hủy bằng cách chôn, rải vôi hoặc đốt.
Kết hợp khẩn trương thu hoạch lá dâu để hạn chế thiệt hại về năng suất, việc sử dụng thuốc BVTV ở thời điểm đang thu hoạch lá cho tằm ăn không được khuyến cáo áp dụng.
Đối với ruộng dâu chưa đến thời kỳ thu hoạch, danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam hiện hành chưa có thuốc đăng ký phòng trừ sâu bệnh trên cây dâu tằm nên khuyến khích nông dân áp dụng biện pháp thủ công để thu bắt sâu non, ổ trứng, kén sâu tiêu hủy.
Trong trường hợp cần thiết phải sử dụng thuốc BVTV để phòng trừ có thể sử dụng hoạt chất Emamectin benzoate (Actimax 50WG) để phòng trừ, đảm bảo nguyên tắc 4 đúng, phun sớm ở thời điểm sâu non mới nở tuổi 1-3, phun kỹ trên lá, dưới gốc cây nơi sâu trú ẩn và đảm bảo thời gian cách ly của thuốc ít nhất 7 ngày trước thu hoạch để không ảnh hưởng đến tằm.