Ảnh minh họa |
Theo báo cáo, trong năm 2024, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum, UBND các huyện thành phố đã kiểm tra và phát hiện một số cơ sở có hành vi vi phạm lĩnh vực môi trường, tiến hành xử lý, tham mưu cấp có thẩm quyền xử phạt, cụ thể:
Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Quang Đức Kon Tum đã có hành vi thực hiện không đúng, không đầy đủ một trong các nội dung quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường với số tiền 90.000.000 đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần phát triển năng lượng Kon Tum về hành vi lắp đặt đường ống để xả chất thải ra môi trường, số tiền 140.000.000 đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính đối với Cơ sở chăn nuôi của bà Phan Thị Thu Trinh về hành vi đang hoạt động nhưng không có giấy phép môi trường, số tiền 160.000.000 đồng
Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển nông nghiệp Ia H’Drai Kon Tum về hành vi không có giấy phép môi trường, số tiền 300.000.000 đồng.
Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH nông nghiệp sạch Tây Nguyên về hành vi đã tác động trên một phần diện tích đất nhưng không có hồ sơ môi trường, số tiền 50.000.000 đồng.
Ngoài ra trong năm, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Chi cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường miền Trung và Tây Nguyên kiểm tra 5 đơn vị (Khu công nghiệp Hoà Bình; Khu công nghiệp Sao Mai; Nhà máy chế biến mủ cao su Chư Mom Ray; Nhà máy chế biến mủ cao su Sa Thầy; Nhà máy chế biến mủ cao su Vạn Lợi; Nhà máy chế biến mủ cao su Thuận Lợi ), qua đó phát hiện một số cơ sở đã có hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn môi trường, thực hiện không đúng một trong các nội dung Quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định. Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ra quyết định xử phạt đối với vi phạm của 04 đơn vị: Nhà máy chế biến mủ cao su Sa Thầy (với số tiền 50.000.000 đồng), Khu công nghiệp Hoà Bình (với số tiền 50.000.000 đồng), Nhà máy chế biến mủ cao su Vạn Lợi (230.000.000 triệu đồng), Nhà máy chế biến mủ cao su Thuận Lợi (70.000.000 triệu đồng).
UBND tỉnh Kon Tum cho biết, giải pháp trong thời gian tới của tỉnh Kon Tum để bảo vệ môi trường là, nâng cao năng lực quản lý, ưu tiên biện pháp phòng ngừa ô nhiễm và suy thoái môi trường; kịp thời phát hiện, chỉ đạo giải quyết các vấn đề bức xúc, điểm nóng về môi trường, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với BVMT.
Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, huy động sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về công tác BVMT.
Tiếp tục quan tâm, chỉ đạo đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật góp phần đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị và phát triển nông thôn theo hướng hiện đại hóa để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu chung của tỉnh.
Kiểm soát phòng ngừa các tác động xấu gây ô nhiễm, suy thoái môi trường; giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách; thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường nông thôn gắn với thực hiện các tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới hướng đến hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh./.