![]() |
Dự án TRVC đã giúp Kiên Giang bước đầu hình thành vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp trên địa bàn các vùng sản xuất trọng điểm như Tứ giác Long Xuyên và Tây sông Hậu - Ảnh minh họa. |
Dự án "Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (Dự án TRVC)" đóng vai trò quan trọng trong quá trình này.
Dự án TRVC đã giúp Kiên Giang bước đầu hình thành vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp trên địa bàn các vùng sản xuất trọng điểm như Tứ giác Long Xuyên và Tây sông Hậu. Vụ Đông Xuân 2024 - 2025, tỉnh đã triển khai 10 mô hình thí điểm trên diện tích 511 ha và nhân rộng lên 5.500 ha. Các mô hình này áp dụng quy trình canh tác lúa theo Đề án 1 triệu ha lúa, bao gồm gieo sạ mật độ 70 kg/ha, sử dụng tiết kiệm phân bón, siết nước theo quy trình, thu gom rơm rạ và cày vùi rơm rạ kết hợp với xử lý chế phẩm vi sinh.
Kết quả ban đầu cho thấy tín hiệu khả quan với năng suất dự kiến trên 7 tấn/ha, lượng phát thải khí nhà kính giảm từ 7 tấn CO2qđ/ha trở lên và tỷ suất lợi nhuận trên 50%. Đây là những tiền đề quan trọng để ngành lúa gạo Kiên Giang chuyển đổi theo hướng chất lượng cao, phát thải thấp và tăng trưởng xanh.
Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án TRVC cũng gặp phải không ít khó khăn và hạn chế. Một số hợp tác xã chưa thành công trong việc thực hiện quy trình rút nước theo nguyên tắc ướt khô xen kẽ. Nguồn lực thực hiện chương trình còn hạn chế, cán bộ kỹ thuật ở các hợp tác xã chưa được tập huấn chuyên sâu về nhiệm vụ đo đạc - báo cáo - thẩm định (MRV), gây khó khăn cho việc nhân rộng sản xuất trong vụ Hè Thu và Thu Đông năm 2025.
Để đảm bảo thực hiện hiệu quả Đề án 1 triệu ha lúa, Kiên Giang đặt mục tiêu trong năm 2025 sẽ nhân rộng diện tích sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp lên 13.000 ha, đồng thời nâng tỷ lệ số hộ áp dụng quy trình canh tác bền vững, giảm phát thải đạt trên 80%. Tỉnh cũng đã chọn 4 huyện (Hòn Đất, Tân Hiệp, Gò Quao và Giang Thành) để rà soát, lập danh sách các hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia đề án, chuẩn bị cho việc ký thỏa thuận chi trả giảm phát thải từ Quỹ Tài chính cac bon chuyển đổi (TCAF).
Ngành nông nghiệp tỉnh cũng có kế hoạch tổ chức 1.280 ha cánh đồng lớn áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp để nhân rộng ra các địa phương, hình thành vùng sản xuất 200.000 ha, hướng tới mục tiêu chung của Đề án 1 triệu ha lúa.