Do hạn chế về kiến thức quản lý rơm rạ, thiếu công nghệ phù hợp, việc đốt rơm rạ trở thành vấn đề phổ biến - Ảnh minh họa. |
Ngày 9/10, tại thành phố Cần Thơ, Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI) tổ chức hội thảo khởi động dự án Tăng cường năng lực sản xuất lúa phát thải thấp và bền vững ở Đông Nam Á (gọi tắt là CABIN). Dự án nhằm thúc đẩy quản lý rơm rạ ở khu vực Đông Nam Á giai đoạn 2024 - 2028, hướng đến một nền nông nghiệp phát thải thấp và phát triển bền vững trong tương lai.
Dự án CABIN được triển khai tại 5 quốc gia khu vực Đông Nam Á (Việt Nam, Lào, Campuchia, Indonesia, Philippines) do Quỹ hợp tác phát triển quốc tế Đài Loan (Trung Quốc) - Taiwan ICDF - tài trợ. Điều này sẽ giúp mở ra khởi đầu mới trong sản xuất lúa gạo bền vững trong khu vực Đông Nam Á.
Trong giai đoạn 4 năm, Dự án CABIN tập trung vào quản lý rơm rạ, phát thải thấp và bền vững trong canh tác lúa. Theo đó, các chuyên gia sẽ cùng nhau xây dựng kế hoạch và chiến lược hằng năm chuyển đổi sản xuất lúa bền vững và phát thải thấp ở các quốc gia; xây dựng tài liệu đào tạo về canh tác lúa bền vững và phát thải thấp phù hợp từng quy mô; nâng cao kiến thức và áp dụng sản xuất lúa bền vững, phát thải thấp thông qua đào tạo, trình diễn đồng ruộng và chuyển giao công nghệ.
Tổng quan thực trạng sản xuất lúa gạo của 5 quốc gia tham gia Dự án CABIN cho thấy, mỗi năm các nước sản xuất hàng triệu tấn lúa, tổng sản lượng rơm khoảng 150 triệu tấn, chiếm khoảng 20% sản lượng rơm toàn cầu.
Tuy nhiên, do hạn chế về kiến thức quản lý rơm rạ, thiếu công nghệ phù hợp, việc đốt rơm rạ trở thành vấn đề phổ biến.
Cần cơ chế để động viên nông dân sản xuất lúa phát thải thấp Thiếu cơ chế cụ thể để động viên nông dân chuyển sang sản xuất lúa phát thải thấp cũng là một thách thức đáng kể. ... |
Canh tác lúa hướng theo hữu cơ nâng cao chất lượng và giá trị Canh tác lúa hướng theo hữu cơ đã giúp cho nông dân giảm chi phí đầu tư nâng cao chất lượng và tăng giá trị ... |
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) ước tính, tổng sản lượng rơm từ canh tác lúa mỗi năm của 5 quốc gia thuộc dự án CABIN là khoảng 150 triệu tấn, chiếm khoảng 20% tổng sản lượng rơm toàn cầu. Hằng năm, Việt Nam sản xuất khoảng 43 triệu tấn lúa, xấp xỉ 43 triệu tấn rơm.
Riêng đối với Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất lúa trọng điểm của cả nước, mỗi năm có khoảng 24 triệu tấn rơm rạ sau khi thu hoạch lúa. Vì vậy, sử dụng nguồn rơm này như thế nào là điều cần phải quan tâm.
"Ở Việt Nam, việc quản lý rơm rạ gặp nhiều trở ngại từ người nông dân sản xuất lúa, hợp tác xã, chính sách, tổ chức sản xuất... Ngoài xử lý rơm rạ bằng yếu tố kỹ thuật để mang lại hiệu quả thì cũng cần sự tham gia của chính phủ, doanh nghiệp để xử lý hiệu quả rơm rạ", ông Lê Thanh Tùng nhận định.
Theo ông Lê Thanh Tùng, các ưu tiên của Chính phủ Việt Nam hiện nay là thực hiện chiến lược Tăng trưởng xanh quốc gia 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững của Bộ NN-PTNT 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL. Đặc biệt là Chương trình quốc gia dự án Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”. Thông qua đề án, Bộ NN-PTNT Việt Nam đã đưa những công nghệ tiến bộ nhất, triển khai thực địa trên các cánh đồng.
Cùng với những nỗ lực nghiên cứu của IRRI và nguồn tài chính từ Taiwan ICDF thông qua Dự án CABIN, sẽ góp phần giúp Việt Nam giải quyết được các thách thức trong sản xuất lúa gạo.
Đại diện Taiwan ICDF, ông Ming Hong Yen, Giám đốc Phòng Hợp tác kỹ thuật cam kết chung tay nỗ lực tăng cường phát triển lúa gạo bền vững, tăng cường sinh kế, thu nhập cho nông dân ở các quốc gia Đông Nam Á.
Ông Ming Hong Yen cho rằng, khi Dự án CAIBIN khởi động với những tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới được triển khai ở những hecta lúa nhỏ bền vững sẽ là khởi đầu để tiến đến lộ trình sản xuất lúa bền vững, phát thải thấp, nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh; đóng góp tăng trưởng cho đất nước, thu nhập cho người dân ở các quốc gia.