![]() |
Trồng lúa giảm phát thải giúp tăng lợi nhuận cho nông dân từ 5,3-9 triệu đồng/ha, đồng thời giúp giảm phát thải khí nhà kính từ 3,9-4,9 tấn CO₂/ha/vụ. Ảnh minh họa |
Thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tỉnh An Giang đã và đang có những bước đi cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, bước đầu đạt được nhiều kết quả khả quan.
An Giang đặt mục tiêu đến năm 2025 triển khai hơn 44.000 ha sản xuất lúa chất lượng cao, giảm phát thải tại 11/11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Tất cả các địa phương đã ban hành kế hoạch thực hiện và thành lập Ban chỉ đạo, bảo đảm sự đồng bộ trong triển khai.
Trong năm 2024, An Giang đã xây dựng 22 mô hình trình diễn với diện tích hơn 1.100 ha (đạt 5,42% kế hoạch). Các mô hình đều áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật như gieo sạ thưa, sử dụng giống xác nhận, tiết giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, quản lý nước hiệu quả. Qua đó, giúp giảm trung bình 67kg lúa giống/ha, giảm chi phí từ 4-5 triệu đồng/ha, lợi nhuận tăng thêm từ 3,6-5,3 triệu đồng/ha so với đối chứng.
Tính riêng vụ đông xuân 2024-2025, ngành nông nghiệp An Giang đã phối hợp cùng các địa phương triển khai 40 mô hình trình diễn với tổng diện tích 566 ha, trong đó 38 mô hình đã thu hoạch. Kết quả cho thấy năng suất tăng bình quân 0,78 tấn/ha, lợi nhuận tăng hơn 9,3 triệu đồng/ha.
![]() |
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam (thứ 2 từ phải qua) thăm cánh đồng trong Đề án 1 triệu hecta lúa tại Đồng Tháp. Ảnh: Minh Đãm. |
Ngoài ra, huyện Châu Phú là địa phương tiên phong trong triển khai mô hình hợp tác công tư (PPP), kết nối doanh nghiệp trong chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ lúa. Mô hình trên diện tích 3,5 ha đạt lợi nhuận tăng hơn 11 triệu đồng/ha so với đối chứng. Đây được xem là hướng đi tiềm năng nhằm phát triển bền vững và thu hút doanh nghiệp cùng đồng hành với nông dân.
Tính đến nay, tổng diện tích lúa áp dụng quy trình theo định hướng Đề án đạt 8.536 ha (chiếm 41,4% kế hoạch năm 2024). Trong đó, diện tích áp dụng 3 tiêu chí cơ bản (giảm lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ) đạt hơn 38.900 ha, áp dụng 4 tiêu chí đạt 18.158 ha và áp dụng đủ 5 tiêu chí theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Môi trường là 15.418 ha.
Đánh giá về quá trình triển khai, ông Trần Thanh Hiệp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường An Giang cho biết: Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp là hướng đi đúng đắn, phù hợp với điều kiện sinh thái và xu thế phát triển nông nghiệp xanh, tuần hoàn.
Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn không ít khó khăn, đặc biệt là việc thay đổi tập quán canh tác của người dân và việc kêu gọi doanh nghiệp tham gia liên kết chuỗi. Vì vậy, ngành nông nghiệp An Giang đang tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật, đồng thời tham mưu UBND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ thiết thực để khuyến khích nông dân và doanh nghiệp cùng tham gia.
Ông Hiệp nhấn mạnh, vai trò then chốt của HTX trong việc tổ chức sản xuất quy mô lớn, có hợp đồng tiêu thụ ổn định. Hiện nay, nhiều HTX vẫn hoạt động ở quy mô nhỏ lẻ, chưa đủ năng lực kỹ thuật và tài chính để trở thành “cầu nối” giữa nông dân và doanh nghiệp. Đây là nút thắt cần được tháo gỡ trong thời gian tới thông qua các chính sách hỗ trợ tăng cường năng lực, ứng dụng công nghệ số và tiếp cận tín dụng ưu đãi.
Một khó khăn khác là chưa có nhiều mô hình trình diễn do cấp huyện chủ trì thực hiện. Phần lớn các mô hình hiện nay do tỉnh triển khai, trong khi ở nhiều địa phương, mặc dù có kế hoạch nhưng chưa tổ chức được mô hình cụ thể để tạo hiệu ứng lan tỏa.
Trong giai đoạn tới, An Giang xác định một số giải pháp trọng tâm, gồm đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ lợi ích lâu dài của đề án như: hỗ trợ hình thành vùng nguyên liệu có liên kết doanh nghiệp, nâng cao vai trò các tổ hợp tác, HTX. Song song đó phát triển hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng phục vụ sản xuất và bố trí nguồn vốn đầu tư công cho giai đoạn 2026-2030 để triển khai đồng bộ các hạng mục cần thiết.
“Với quyết tâm cao, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự đồng hành của người dân, An Giang kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng vào thành công chung của Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp, góp phần phát triển nền nông nghiệp xanh, bền vững cho toàn vùng ĐBSCL”, ông Trần Thanh Hiệp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh An Giang kỳ vọng.
Ông Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) nhấn mạnh, nỗ lực của các doanh nghiệp và nông dân tham gia Dự án “Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tại khu vực ĐBSCL sẽ góp phần xây dựng hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt. Ngoài ra, về mặt xã hội, 100% các doanh nghiệp tham gia dự án đã thực hành lồng ghép các chính sách và thực hiện các biện pháp đảm bảo công bằng xã hội trong chính nội tại và tại các chuỗi liên kết ở ba tỉnh dự án. |