![]() |
Ông Lưu Như Bính - Giám đốc HTX Nông nghiệp Đoàn Kết cho biết đến nay có 22/75 hộ với 77 hecta hồ tiêu đat chứng nhận hữu cơ. |
Hàng trăm hộ dân tham gia trồng tiêu hữu cơ, nâng cao giá trị nông sản
Hồ tiêu Đắk Song (Đắk Nông), một trong những sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh Đắk Nông, đang từng bước chuyển mình theo mô hình nông nghiệp hữu cơ, mở ra cơ hội phát triển bền vững và gia tăng giá trị xuất khẩu. Với lợi thế về thổ nhưỡng và khí hậu, huyện Đắk Song nổi tiếng là vùng trồng tiêu chất lượng cao, hạt tiêu thơm nồng, đậm vị.
Hiện nay, cây hồ tiêu của huyện Đắk Song có tổng diện tích là 14.070 ha, diện tích kinh doanh 13.539 ha, trồng mới 43 ha, diện kiến thiết cơ bản 488 ha, sản lượng 36.121 tấn. Diện tích 2332 ha hồ tiêu đạt chứng nhận các loại, trong đó có 178 ha hồ tiêu đạt tiêu chuẩn VietGAP; 352 ha hồ tiêu đạt tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế; 150 ha hồ tiêu đạt tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam; 767 ha hồ tiêu đạt tiêu chuẩn Rainforest Alliance - RFA (RA); 725 ha hồ tiêu đạt tiêu chuẩn Grown for good; 160ha hồ tiêu đạt tiêu chuẩn A (các diện tích tiêu trên hầu hết đều do các công ty liên kết với các hộ dân triển khai chứng nhận).
HTX Nông nghiệp Đoàn Kết, (xã Nam Bình, huyện Đắk Song) là điển hình tiêu biểu trong phong trào phát triển nông nghiệp bền vững tại huyện Đắk Song. Với tinh thần tiên phong và quyết tâm đổi mới, HTX đã mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt trong canh tác hồ tiêu hữu cơ và thân thiện với môi trường.
Hiện tại, HTX Nông nghiệp Đoàn Kết quản lý gần 200 ha hồ tiêu, thu hút sự tham gia tích cực của 75 hộ gia đình. Năm 2024, diện tích hồ tiêu của HTX đạt chứng nhận hữu cơ mới có 9 hecta nhưng đến năm 2025 diện tích hồ tiêu của HTX đạt chứng nhận hữu cơ đã đạt 77 hecta. Hiện HTX Nông nghiệp Đoàn Kết đã có 22/75 đạt chứng nhận hữu cơ. Đây là thành quả đáng ghi nhận, minh chứng cho nỗ lực không ngừng nghỉ của bà con nông dân và Ban quản lý HTX trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời góp phần bảo vệ hệ sinh thái nông nghiệp.
![]() |
Ông Nguyễn Duy Hiển, Phó Phòng NN&MT huyện Đắk Song cho biết, địa phương xác định phát triển hồ tiêu theo mô hình hữu cơ và bền vững là con đường tất yếu để nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho nông dân. |
Ông Lưu Như Bính - Giám đốc HTX Nông nghiệp Đoàn Kết chia sẻ: “Chúng tôi luôn đồng hành cùng bà con từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. HTX cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm hồ tiêu của các thành viên với mức giá ổn định. Đặc biệt, HTX đã ký kết hợp đồng liên kết với Công ty Nedspice Việt Nam đảm bảo tiêu thụ toàn bộ sản lượng với giá cao hơn thị trường từ 30 - 35%. Nhờ vậy, bà con yên tâm canh tác tập trung vào nâng cao chất lượng và sản lượng tiêu mà không lo đầu ra”.
Anh Lê Thanh Mười, một thành viên HTX Nông nghiệp Đoàn Kết chia sẻ: “Từ khi tham gia HTX tôi thay đổi tư duy sản xuất, chuyển sang canh tác theo hướng sinh thái vừa bảo vệ sức khỏe vừa tạo ra sản phẩm sạch an toàn cho người tiêu dùng. HTX thu mua hồ tiêu của nông dân với giá cao hơn thị trường, thậm chí có thời điểm cao gấp hơn hai lần”.
Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp thương mại hữu cơ Hoàng Nguyên (xã Thuận Hà, huyện Đắk Song) đã trở thành điểm sáng trong phong trào phát triển nông nghiệp bền vững. HTX quy tụ 202 hộ dân cùng canh tác trên diện tích 986 ha hồ tiêu hữu cơ, góp phần nâng cao giá trị nông sản địa phương và bảo vệ môi trường sinh thái. Trong số đó, gần 196 ha đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế bởi các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, EU và Canada. Đây là thành quả của quá trình sản xuất nghiêm ngặt, tuân thủ chặt chẽ các quy trình kỹ thuật hữu cơ, từ khâu làm đất, chăm sóc, thu hoạch đến chế biến. Việc đạt chứng nhận quốc tế không chỉ khẳng định chất lượng sản phẩm mà còn mở ra cơ hội rộng lớn để hồ tiêu Thuận Hà vươn xa trên bản đồ xuất khẩu. Không dừng lại ở việc hỗ trợ kỹ thuật, HTX Hoàng Nguyên còn đóng vai trò cầu nối quan trọng giữa nông dân và thị trường. HTX chủ động liên kết với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, giúp bà con tiêu thụ sản phẩm ổn định với mức giá cao hơn thị trường truyền thống. Nhờ đó, thu nhập của các hộ thành viên ngày càng được cải thiện, đời sống dần khởi sắc.
Hướng đến phát triển bền vững
Song song đó, huyện Đắk Song đã triển khai 18 mô hình sử dụng chế phẩm sinh học và 8 mô hình tưới nhỏ giọt nhằm tối ưu hóa sản xuất, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Đặc biệt, chương trình hồ tiêu cảnh quan bền vững với sự tham gia của các doanh nghiệp lớn đã tạo nên bước đột phá trong quản lý cây trồng theo hướng tuần hoàn.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Hữu cơ Việt Nam, ông Nguyễn Duy Hiển - Phó Phòng Nông nghiệp và Môi Trường huyện Đắk Song cho biết: “Huyện Đắk Song xác định phát triển hồ tiêu theo mô hình hữu cơ và bền vững là con đường tất yếu để nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho nông dân”.
![]() |
Chuyển đổi sang nông nghiệp hữu cơ không chỉ giúp nâng cao giá trị kinh tế mà còn bảo vệ môi trường tự nhiên. |
“Từ nay đến năm 2030, huyện đặt mục tiêu mở rộng diện tích hồ tiêu hữu cơ trên 1.000 ha, đồng thời hỗ trợ thêm nhiều HTX và tổ hợp tác đạt chứng nhận quốc tế. Địa phương sẽ tăng cường công tác đào tạo kỹ thuật, thúc đẩy liên kết doanh nghiệp và tập trung xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ phối hợp với các sở ngành để quảng bá thương hiệu hồ tiêu Đắk Song, đưa sản phẩm này vươn xa hơn trên thị trong nước và quốc tế”, ông Hiển chia sẻ.
Cùng với đó, huyện Đắk Song xác định các hợp tác xã (HTX) là lực lượng nòng cốt trong quá trình thúc đẩy sản xuất hồ tiêu hữu cơ và xây dựng chuỗi giá trị bền vững tại Đắk Song. Từ năm 2016 đến nay, huyện đã hỗ trợ thành lập được 13 Hợp tác xã sản xuất và cung ứng vật tư sản xuất hồ tiêu theo hướng bền vững, HTX Thành Tâm, HTX Thuận Phát, HTX NNTM Bình Tiến, HTX hồ tiêu sạch Nam Jang, HTX Nông nghiệp Đắk Môl, HTX NN hữu cơ và dịch vụ xã Trường Xuân, HTX NNHC An Tâm, HTX NN Nam Thịnh, HTX NN Hoàng Nguyên, HTX Farm Đắk Nông, HTX hữu cơ Nam Bình, HTX Hòa Phát, HTX Thành Công.
Hỗ trợ thành lập các HTX liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm hồ tiêu theo chuỗi giá trị. Hỗ trợ để được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo các tiêu chuẩn chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP; hữu cơ; 4C; UTZ; ATTP;...). Phát huy hiệu quả chỉ dẫn địa lý hồ tiêu Đắk Nông, từng bước xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị ngành hàng hồ tiêu của tỉnh nói chung, của huyện Đăk Song nói riêng.
HTX không chỉ là cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp mà còn đóng vai trò hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ chứng nhận và tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức về sản xuất hữu cơ. Nhờ sự đồng hành của HTX, diện tích hồ tiêu đạt chứng nhận đã không ngừng tăng lên, giúp nông dân tiếp cận với các thị trường cao cấp và ổn định giá bán.
Đặc biệt, các HTX còn tiên phong xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình canh tác bền vững như sử dụng chế phẩm sinh học, tưới nhỏ giọt, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Những nỗ lực này không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất mà còn cải thiện sức khỏe đất đai và bảo vệ môi trường.
Huyện Đắk Song đã xây dựng các liên kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp. Công ty Trân Châu, HAPROSIMEX, Nedspice Việt Nam và nhiều đơn vị khác đã hợp tác với hàng trăm hộ dân, cam kết thu mua sản phẩm đạt chứng nhận với giá cao hơn thị trường từ 1.500 - 2.500 đồng/kg. Sự gắn kết này không chỉ đảm bảo đầu ra ổn định mà còn khuyến khích nông dân tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất hữu cơ, từng bước đưa hồ tiêu Đắk Song vươn xa.
Chuyển đổi sang nông nghiệp hữu cơ không chỉ giúp nâng cao giá trị kinh tế mà còn bảo vệ môi trường tự nhiên. Các mô hình xen canh, che bóng, quản lý thảm phủ, quản lý tổng hợp (IPM) đã được áp dụng, giúp cải thiện độ phì nhiêu của đất, giảm xói mòn và tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu. Việc phát triển cụm cảnh quan với bản đồ cảnh báo dư lượng, kiểm soát chất lượng đầu vào càng củng cố thêm tính bền vững cho hệ sinh thái hồ tiêu của huyện Đắk Song.
Tuy nhiên, dù đạt nhiều thành tựu, huyện Đắk Song vẫn đối mặt với không ít khó khăn khi hạ tầng sản xuất chưa đồng bộ, giá cả thị trường biến động, và tập quán canh tác truyền thống còn ăn sâu. Nhưng với sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự đồng hành của các doanh nghiệp và nỗ lực của bà con nông dân, Đắk Song đang từng bước khắc phục những hạn chế, hướng tới mục tiêu xây dựng vùng sản xuất hồ tiêu hữu cơ kiểu mẫu của Tây Nguyên.
Trong thời gian tới, huyện Đắk Song tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ chứng nhận, mở rộng liên kết và xúc tiến thương mại. Đồng thời, chú trọng đầu tư vào nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Có thể thấy, phát triển hồ tiêu nông nghiệp hữu cơ của huyện Đắk Song không chỉ là giải pháp kinh tế mà còn là cam kết mạnh mẽ với sự phát triển bền vững và tăng trưởng xanh. Đây chính là con đường đưa giá trị hồ tiêu Đắk Song trở thành thương hiệu nông sản Việt Nam vững vàng trên bản đồ thế giới.