Mô hình nuôi lợn kết hợp trồng rau của HTX Nông sản an toàn Tâm Hương - Tuyên Quang. |
Phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ cần phải có các vật tư thiết yếu như: phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học hay thuốc bảo vệ thực vật sinh học... là những sản phẩm gắn với hoạt động của vi sinh hữu ích, nhất là vi sinh vật bản địa.
Vi sinh vật hữu ích bản địa là gì?
Là những vi sinh vật tồn tại trong môi trường tự nhiên, chúng thích nghi tốt với điều kiện môi trường, nơi chúng tồn tại, có khả năng phân hủy nhanh các chất hữu cơ (Singh and Sharma, 2003). Là vi sinh vật hữu ích tồn tại trong môi trường tự nhiên, trong đất, nước, không khí, cỏ cây, hoa lá, trong cơ thể động vật và con người.
Vi sinh vật hữu ích tham gia tích cực vào quá trình phân giải chất hữu cơ, biến chúng thành những hợp chất hữu cơ và vô cơ dễ hấp thụ cho cây cây trồng; một số vi sinh vật cố định đạm thông qua việc biến khí nitơ (N2) trong không khí thành các hợp chất chứa nitơ để cung cấp cho thực vật.
Vi sinh vật hữu ích cũng có khả năng sản sinh các enzyme phân giải thức ăn, hỗ trợ quá trình tiêu hóa hấp thụ dinh dưỡng ở người và động vât tốt hơn. Hơn nữa, các vi sinh vật hữu ích ức chế hoạt động của các vi sinh vật có hại, đồng thời sản sinh các hoạt chất kháng khuẩn giúp con người và động vật tăng sức đề kháng, phòng chống dịch bệnh.
Ưu điểm lớn nhất của việc ứng dụng vi sinh vật bản địa vào sản xuất nông nghiệp là có thể “bắt” vi sinh vật có ích ở ngoài tự nhiên. Sau đó, những vi sinh vật bản địa có ích này sẽ được phân lập, đánh giá, nhân nuôi để thả lại vào tự nhiên hoặc được dùng để tạo ra chế phẩm sinh học dùng trong sản xuất nông nghiệp, giúp tăng năng suất, chất lượng, đồng thời giảm giá thành đầu vào.
Vi sinh hữu ích đã được ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, thú y, bảo vệ thực vật, xử lý chất thải, khử mùi hôi chuồng trại…
Cho đến nay đã có hàng trăm công ty sản xuất, kinh doanh, phân phối các chế phẩm vi sinh hữu ích sử dụng trong chăn nuôi. Tuy nhiên, việc nghiên cứu, sản xuất, đăng ký, phân phối và sử dụng các chế phẩm vi sinh hữu ích ở Việt Nam còn nhiều bất cập cả về cơ chế, chính sách, lẫn công nghệ.
Trên thị trường Việt Nam có tới hàng ngàn chế phẩm vi sinh mang thương hiệu đa dạng với giá cả và chất lượng, hiệu quả rất khác nhau, gây hoang mang cho người sử dụng...
Một trong những vấn đề khó khăn đang gặp phải là công nghệ sản xuất, đặc biệt là cách thức bảo quản giống gốc nhằm ổn định và bảo toàn đặc tính sinh học của chúng trong chế phẩm và hiệu quả khi sử dụng trên thực địa trước sự tác động to lớn của môi trường tự nhiên rất đa dạng, khắc nghiệt của nông nghiệp nhiệt đới.
Hiện nay ở Việt Nam đa số các công ty sản xuất chế phẩm vi sinh đang sử dụng công nghệ giữ giống truyền thống như đông khô, bảo quản ở nhiệt độ lạnh âm sâu, bảo quản trong thạch mềm... Các công nghệ trên đều phụ thuộc vào máy móc, thiết bị, phòng thí nghiệm, công nhân phòng thí nghiệm…
Nhằm khắc phục phần nào những bất cập trên, từ năm 2017 đến nay Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao và dịch vụ công nghệ sinh học hữu cơ đã nghiên cứu, áp dụng công nghệ sản xuất vi sinh hữu ích bản địa vào nhân nuôi và sản xuất ra 9 chế phẩm sinh học, gồm:
VOH 1- Phân khô bón rễ: có tác dụng cải tạo đất ô nhiễm, cung cấp dưỡng chất/kích thích sự phát triển của cây, nâng cao năng suất, chất lượng; VOH 2 - Khử mùi phân, không khí chuồng nuôi; VOH 3- chế phẩm ủ phân; VOH 4 - Chế phẩm làm đệm lót sinh học; VOH 5- chế phẩm ủ thức ăn cho vật nuôi; VOH 6 - chế phẩm xử lý môi trường ao nuôi thủy sản; VOH 7- chế phẩm bón lá cây ngắn ngày; VOH 8- chế phẩm bón lá cây lâu năm; VOH - chế phẩm phòng trị bệnh vật nuôi.
Các chế phẩm do Trung tâm sản xuất đã được áp dụng tại một số mô hình chăn nuôi, trồng trọt, xử lý chất thải, rác thải sinh học, đặc biệt là xử lý mùi hôi do chất thải chăn nuôi thải ra môi trường tại các tỉnh, thành: Tuyên Quang, Hà Nội, Hải Dương, Bắc Giang, Bình Phước, Long An, Quảng Ngãi, Đà Nẵng…
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi muốn chia sẻ với bạn đọc về việc sản xuất và áp dụng hiệu quả công nghệ sản xuất vi sinh hữu ích bản địa trong chăn nuôi gà, lợn. Điểm khác biệt chủ yếu là thu thập, “bẫy” bắt vi sinh vật hữu ích tại địa điểm cần sử dụng, phân lập, đánh giá và nhân nuôi bằng công nghệ đơn giản, ít tốn kém và không cần chi phí cho bảo quản giống gốc bằng các công nghệ hiện đại, tốn kém.
Một số sản phẩm từ mô hình chăn nuôi, trồng trọt từ việc ứng dụng chế phẩm vi sinh hữu ích. |
Hiệu quả kinh tế, xã hội trong chăn nuôi, trồng trọt, xử lý chất thải được thể hiện qua các mô hình chăn nuôi trồng trọt là: Tăng thu nhập cho người chăn nuôi từ 15-20% Giảm thiểu tối đa sử dụng kháng sinh tổng hợp, hạn chế nguy cơ tồn dư kháng sinh trong sản phẩm thịt Chất lượng sản phẩm thịt, trứng được người tiêu dùng đánh giá cao Giảm tối đa mùi hôi do chất thải chăn nuôi phát tán ra môi trường Đệm lót sinh học sau khi sử dụng là nguồn phân bón giá trị cao cung cấp cho cây trồng (Mô hình chăn nuôi gà lợn kết hợp trồng rau tại Tuyên Quang) Trong chăn nuôi lợn, tiết kiệm hoàn toàn lượng nước dùng để vệ sinh, tắm rửa cho lợn. Giảm việc sử dụng phân bón hóa học cho cây trồng, giúp cây trồng kéo dài thời gian thu hoạch, tăng năng xuất, chất lượng. Mô hình nuôi lợn kết hợp trồng rau của HTX Nông sản an toàn Tâm Hương – Tuyên Quang Các chế phẩm sử dụng: (1) chế phẩm khử mùi hôi; (2) chế phẩm làm đệm lót; (3) chế phẩm ủ thức ăn; (4) chế phẩm phòng trị bệnh; (5) chế phẩm phân bón lá Thời gian sử dụng: 2 năm (từ tháng 5.2022 - tháng 5.2024) Mô hình nuôi gà bố mẹ tại HTX chăn nuôi gà đồi Tân Tiến - Thái Nguyên Các chế phẩm sử dụng: (1) chế phẩm làm đệm lót; (2) chế phẩm ủ thức ăn Thời gian sử dụng: 2 tháng (từ tháng 2.2024 - tháng 4.2024) Chia sẻ của chủ trang trại: anh Bùi Quang Hữu Gà khỏe mạnh, không bị bệnh hen suyễn, chưa phải dùng kháng sinh kể từ khi vào gà 4 tháng tuổi đến nay (gà 6 tháng tuổi) Chuồng không có mùi hôi, ngồi trong chuồng rất lâu mà không ngửi thấy mùi phân Đệm lót sau 2 tháng sử dụng chưa phải bổ sung vi sinh lần 2, đệm lót bới lên tơi xốp, ngửi không có mùi hôi Chế phẩm vi sinh bản địa của trung tâm cho hiệu quả tốt hơn các chế phẩm đã dùng trước đây.
|
PGS. TS Trần Thị Hạnh, Thạc sỹ Mai Thị Lan Hương, Trần Quang Võ
Trung tâm nghiên cứu chuyển giao và dịch vụ công nghệ sinh học hữu cơ (Bio-TCORTS), Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam.