Indonesia đối mặt với tình trạng thiếu hụt gạo nghiệm trọng, buộc phải tìm giải pháp thay thế nguồn lương thực chính. |
Indonesia vốn nổi tiếng với văn hóa ẩm thực mà gạo chiếm vai trò quan trọng, đang đối mặt với thách thức lớn khi sản lượng gạo trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân. Dữ liệu từ Cục Thống kê Indonesia (BPS) cho thấy mặc dù mức tiêu thụ gạo bình quân đầu người đã giảm từ 1,7 kg/tuần vào năm 2007 xuống còn 1,5 kg/tuần vào năm 2023, nhưng tình trạng thiếu hụt vẫn tiếp diễn.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là việc diện tích trồng lúa bị thu hẹp đáng kể. Trong bối cảnh đô thị hóa và công nghiệp hóa diễn ra nhanh chóng, nhiều vùng đất rộng lớn trước đây được sử dụng để trồng lúa đã bị chuyển đổi sang các chức năng khác như xây dựng nhà máy, khu công nghiệp, khu dân cư... Điều này không chỉ làm giảm diện tích canh tác mà còn gây áp lực lên nguồn cung gạo. Khí hậu khô hạn gây ra bởi thời tiết đã tàn phá mùa màng, khiến sản lượng lúa gạo sụt giảm mạnh và đẩy giá gạo lên mức kỷ lục.
Bên cạnh đó, những vấn đề khác như cơ sở hạ tầng thủy lợi yếu kém, thiếu các giải pháp hiệu quả để ứng phó với biến đổi khí hậu, các chương trình hỗ trợ nông dân của chính phủ bị trì hoãn do thủ tục hành chính rườm rà và công nghệ sản xuất lạc hậu cũng góp phần làm giảm năng suất và sản lượng lúa gạo.
Để giải quyết vấn đề này, chính phủ Indonesia đang tích cực thúc đẩy việc đa dạng hóa nguồn lương thực, giảm sự phụ thuộc vào gạo. Các chính sách khuyến khích sản xuất và tiêu thụ các loại ngũ cốc khác như ngô, khoai lang, sắn... đang được triển khai mạnh mẽ. Bên cạnh đó, việc nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của chế độ ăn uống đa dạng, cân bằng dinh dưỡng cũng được chú trọng.
Đồng thời, chính phủ cũng đang nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng nông nghiệp, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các giống lúa mới có năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt và thích ứng với biến đổi khí hậu. Các chương trình hỗ trợ nông dân tiếp cận với công nghệ mới, kỹ thuật canh tác tiên tiến cũng được triển khai rộng rãi.
Mặc dù còn nhiều thách thức, nhưng với những nỗ lực không ngừng của chính phủ và sự chung tay của người dân, Indonesia hy vọng sẽ sớm vượt qua khó khăn, đảm bảo an ninh lương thực và cung cấp nguồn thực phẩm dồi dào, chất lượng cho người dân. Indonesia dự kiến nhập khẩu 5 triệu tấn gạo trong năm nay, một con số kỷ lục. Tuy nhiên, cho đến nay chỉ có 3,6 triệu tấn hạn ngạch đã được cấp.