![]() |
“Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh chủ trì hội nghị tổng kết công tác BVR-PCCCR và PCTT&TKCN năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.” |
Hà Tĩnh hiện có hơn 358.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm hơn 60% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Trong đó, gần 90% diện tích đã được giao cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân quản lý; phần diện tích còn lại do UBND cấp xã quản lý. Những năm gần đây, công tác bảo vệ và phát triển rừng tiếp tục được tỉnh quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Các chủ rừng đã chủ động xây dựng phương án PCCCR, triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát ở nhiều khu vực trọng điểm. Nhờ vậy, nhiều vụ cháy đã được phát hiện sớm, xử lý kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ”, hạn chế tối đa thiệt hại về rừng và tài sản.
Tuy vậy, năm 2024 vẫn ghi nhận 126 vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp, trong đó có 1 vụ bị khởi tố hình sự. Lực lượng chức năng đã tịch thu hơn 67 m³ gỗ, nhiều cá thể động vật rừng và tang vật khác, thu nộp ngân sách hơn 1,4 tỷ đồng. Một số địa phương vẫn để xảy ra tình trạng khai thác, tập kết lâm sản trái phép, xẻ rừng nghèo để trồng rừng nguyên liệu, chuyển nhượng đất rừng sai quy định… Những hành vi này không chỉ làm suy giảm tài nguyên rừng mà còn tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao trong mùa khô nóng.
Dự báo trong năm 2025, nhiệt độ toàn cầu và khu vực tiếp tục tăng, trung bình cao hơn từ 0,5 – 1 độ C so với năm trước. Thời tiết nắng nóng kéo dài, cộng với khô hanh, dễ khiến nguy cơ cháy rừng gia tăng trên diện rộng. Do đó, tỉnh Hà Tĩnh xác định mục tiêu bảo vệ nghiêm ngặt 217.000 ha rừng tự nhiên hiện có, nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, phấn đấu giữ vững độ che phủ rừng ở mức 52%. Các địa phương, chủ rừng được yêu cầu nâng cao tinh thần trách nhiệm, tuần tra, giám sát chặt chẽ tại các khu vực trọng điểm, kiểm soát người ra vào rừng và sẵn sàng lực lượng ứng cứu khi có tình huống xảy ra.
Song song với công tác bảo vệ rừng, việc phòng, chống thiên tai cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm. Trong năm qua, Hà Tĩnh đã chịu nhiều đợt mưa lớn gây tốc mái hàng chục nhà dân, sạt lở đất tại các huyện miền núi, ngập úng ở nhiều khu vực và làm gián đoạn việc học tập của hàng vạn học sinh. Một số điểm trọng yếu như tuyến đường qua xã Sơn Kim 1 (Hương Sơn), bờ biển Thịnh Lộc, Cẩm Nhượng, Xuân Hội… bị sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống và sinh kế của người dân.
Nhận định thời tiết năm 2025 tiếp tục diễn biến khó lường, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu các địa phương rà soát, cập nhật phương án phòng chống thiên tai phù hợp với tình hình mới; củng cố hạ tầng ứng phó, tăng cường kiểm tra các công trình hồ đập, kênh mương, đặc biệt là các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn cao. Đồng thời, siết chặt quản lý hoạt động khai thác cát sỏi, xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm lòng sông gây cản trở dòng chảy, làm gia tăng nguy cơ ngập lụt.
UBND tỉnh cũng chỉ đạo đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn kỹ năng ứng phó thiên tai cho lực lượng tại chỗ, nhất là cấp xã; nâng cao ý thức cộng đồng trong việc phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai. Các địa phương cần sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư để chủ động ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra sự cố.
Bên cạnh đó, các nhiệm vụ trọng tâm như bảo vệ sản xuất nông nghiệp, kiểm soát dịch bệnh, phát triển nuôi trồng thủy sản, chống khai thác IUU, xóa nhà tạm cho hộ nghèo… cũng được Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh đặc biệt nhấn mạnh tại hội nghị. Việc triển khai đồng bộ các giải pháp này không chỉ nhằm ứng phó hiệu quả với thiên tai mà còn đảm bảo an sinh xã hội, góp phần phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt.
Dịp này, tỉnh đã trao tặng bằng khen cho 4 tập thể và 5 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ và phát triển rừng năm 2024, ghi nhận những đóng góp thầm lặng nhưng đầy trách nhiệm của các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ giữa rừng sâu hay trong các tình huống khẩn cấp.
Hội nghị là dịp để đánh giá toàn diện kết quả đạt được và chỉ ra những tồn tại trong công tác BVR-PCCCR, PCTT&TKCN năm 2024. Bước sang năm 2025, với diễn biến thời tiết phức tạp, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục siết chặt kỷ cương, chủ động phòng ngừa, xử lý nghiêm vi phạm, thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, bảo vệ rừng và đảm bảo an toàn cho người dân trước thiên tai. |