![]() |
Năm 2025, Đồng Tháp đặt mục tiêu 100% cơ sở nuôi cá tra được số hóa mã nhận diện - Ảnh minh họa. |
Năm 2025, Đồng Tháp đặt mục tiêu 100% cơ sở nuôi cá tra được số hóa mã nhận diện, đạt các chứng nhận về an toàn thực phẩm, 50% diện tích nuôi áp dụng tiêu chuẩn GAP và 90% hộ nuôi tham gia liên kết sản xuất. Tỉnh phấn đấu đạt sản lượng 555.000 tấn cá tra, tương đương giá trị sản xuất trên 9.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 980 triệu USD.
Để đạt được mục tiêu này, Đồng Tháp tập trung phát triển ngành hàng cá tra theo hướng hiện đại, chú trọng sản phẩm giá trị gia tăng. Hiện tỉnh có 378 cơ sở nuôi cá tra thương phẩm với diện tích 1.630 ha, 94 cơ sở sản xuất giống và hơn 1.000 cơ sở ương dưỡng giống, đảm bảo nguồn cung con giống chất lượng cao.
Đồng Tháp đã ứng dụng công nghệ tiên tiến vào nuôi trồng, chọn giống chất lượng cao, công nghệ chế biến sâu, giải pháp sinh học để cải thiện hiệu quả sản xuất. Việc kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm được chú trọng, giúp sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế. Nhờ đó, cá tra Đồng Tháp đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường quốc tế, tiếp tục chinh phục nhiều thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, EU...
Bên cạnh đó, hệ thống giao thông đường thủy thuận lợi, lực lượng lao động dồi dào, kỹ thuật nuôi trồng là những lợi thế giúp Đồng Tháp phát triển ngành cá tra bền vững. Các mô hình liên kết sản xuất theo chiều dọc và chiều ngang cũng giúp giảm thiểu rủi ro, tối ưu hóa chi phí, tăng cường khả năng cạnh tranh.
Với 28 nhà máy chế biến công suất 700.000 tấn/năm, Đồng Tháp đủ khả năng chế biến cá tra thành phẩm xuất khẩu. Các doanh nghiệp đã đầu tư vào công nghệ hiện đại, nâng cấp dây chuyền sản xuất, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Điển hình như Công ty TNHH Hùng Cá với vùng nuôi hơn 700 ha, áp dụng quy trình sản xuất khép kín theo tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định, giám sát nghiêm ngặt quá trình sản xuất.