Năm 2024, giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đạt 50,55 ngàn tỷ đồng - Ảnh minh họa. |
Năm 2024, ngành nông nghiệp Đồng Nai tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng trong nền kinh tế khu vực Đông Nam Bộ, với giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản đạt 50,55 ngàn tỷ đồng, tăng 3,53% so với năm 2023. Bước sang năm 2025, Đồng Nai đặt mục tiêu phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, có giá trị gia tăng cao, tập trung vào chuyển đổi sản xuất, thu hút đầu tư chế biến.
Trong lĩnh vực trồng trọt, Đồng Nai quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao dựa trên kết quả khảo sát, phân tích điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng. Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng và giống cây trồng tiếp tục được điều chỉnh, cơ cấu lại các vùng sản xuất quy mô hàng hóa lớn, đảm bảo lợi thế cạnh tranh. Chuyển đổi từ cây trồng hiệu quả kinh tế thấp sang cây ăn trái, rau, hoa cây cảnh, dược liệu có giá trị kinh tế cao được chú trọng, đặc biệt là các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Việc xây dựng sản phẩm nông nghiệp chất lượng, có nhãn hiệu, thương hiệu, truy xuất nguồn gốc được ưu tiên. Mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói được quản lý chặt chẽ để phục vụ xuất khẩu và mở rộng thị trường tiêu thụ, nhất là các sản phẩm tiềm năng như chuối, sầu riêng, xoài, mít, bưởi…
Trong chăn nuôi, Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng giảm tỷ trọng đàn heo, tăng tỷ trọng đàn gia cầm, duy trì quy mô tổng đàn heo trên 2 triệu con và tổng đàn gia cầm 25 triệu con. Định hướng phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại quy mô lớn, ứng dụng công nghệ để gia tăng giá trị, ưu tiên lĩnh vực chế biến và phát triển các đối tượng chăn nuôi có giá trị kinh tế cao như ngành yến sào. Các chuỗi liên kết trong chăn nuôi theo hướng sinh thái, xanh, hữu cơ được khuyến khích, sử dụng hiệu quả các biện pháp xử lý chất thải, hướng tới nền chăn nuôi an toàn, hiệu quả.
Về thủy sản, tỉnh duy trì diện tích mặt nước nuôi thủy sản gần 8,7 ngàn hécta, phấn đấu giá trị nuôi thủy sản đạt 737 triệu đồng/hécta, tăng 21 triệu đồng/hécta so với năm 2023. Phát triển tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, cá lóc, cá rô phi, cá tra được chú trọng. Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 20% diện tích mặt nước nuôi thủy sản thâm canh, bán thâm canh được áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường.
Đồng Nai có lợi thế thu hút đầu tư chế biến sâu nông sản, sản phẩm chăn nuôi nhờ hình thành nhiều vùng chuyên canh cây trồng quy mô lớn, chất lượng cao. Định hướng của tỉnh là nâng cao năng lực chế biến, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp chế biến, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Nhiều doanh nghiệp đã và đang đầu tư vào lĩnh vực chế biến. Các doanh nghiệp không ngừng đa dạng hóa sản phẩm chế biến, mở rộng thị trường xuất khẩu. Để thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản, Đồng Nai đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng 2 cụm công nghiệp chế biến sâu nông sản tại huyện Định Quán và huyện Cẩm Mỹ. Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Giầu Dây giai đoạn 2 cũng được đầu tư xây dựng, kết nối với các vùng nguyên liệu thực phẩm an toàn.
Các địa phương cũng nỗ lực thu hút đầu tư vào chế biến nông sản. Huyện Cẩm Mỹ, với thế mạnh cây công nghiệp và cây ăn trái, đang thu hút đầu tư vào chế biến nông sản, đặc biệt là cụm công nghiệp chế biến nông sản tại Long Giao.
Với những định hướng và nỗ lực không ngừng, Đồng Nai đang từng bước nâng tầm ngành nông nghiệp, hướng đến sản xuất hiện đại, hiệu quả và bền vững, đồng thời thu hút đầu tư, tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ trong tương lai.