Các nhà khoa học Việt Nam đã có những nghiên cứu đột phá trong việc ứng dụng công nghệ sinh học để tạo ra giống cây trồng mới - Ảnh minh họa. |
Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM vừa tổ chức Hội thảo phân tích xu hướng công nghệ với chủ đề "Công nghệ sinh học phục vụ công tác tạo giống cây lương thực", thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp. Hội thảo tập trung vào các ứng dụng tiên tiến của công nghệ sinh học, mở ra hướng đi mới cho việc phát triển giống cây trồng năng suất cao, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hội thảo đã giới thiệu nhiều kỹ thuật sinh học tiên tiến đang được ứng dụng thành công trong việc tạo giống cây trồng mới. Nổi bật là công nghệ chỉnh sửa gen CRISPR-Cas9, cho phép cải thiện các đặc tính của cây trồng, tạo ra giống cây có năng suất cao, khả năng kháng bệnh tốt và chống chịu với điều kiện môi trường khắc nghiệt.
Bên cạnh đó, công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật giúp tạo ra giống cây sạch bệnh với số lượng lớn, chất lượng đồng đều, đáp ứng nhu cầu sản xuất quy mô lớn. Chỉ thị phân tử và lập bản đồ gen cũng được ứng dụng rộng rãi, giúp xác định nhanh các gen mong muốn, rút ngắn thời gian và nâng cao hiệu quả chọn tạo giống cây trồng.
Các nhà khoa học Việt Nam đã có những nghiên cứu đột phá trong việc ứng dụng công nghệ sinh học để tạo ra giống cây trồng mới. Các thành tựu nổi bật được trình bày tại hội thảo bao gồm ứng dụng công nghệ RNAi dựa trên microRNA (miRNA) để tạo ra giống cây trồng kháng tuyến trùng, giúp giảm thiểu thiệt hại do loại dịch hại này gây ra. Công nghệ sinh học hiện đại, phân tích dữ liệu lớn và lập bản đồ tương quan với toàn bộ hệ gen được ứng dụng để tối ưu hóa quy trình chọn giống lúa đen, hướng tới phát triển giống lúa giàu dinh dưỡng. Các nhà khoa học cũng ứng dụng công nghệ chỉ thị phân tử, kiểm tra virus và nhân giống in vitro để tạo ra giống khoai tây mới có năng suất cao, kháng bệnh tốt, phù hợp với điều kiện canh tác tại Tây Nguyên.
Mặc dù công nghệ sinh học mang lại nhiều tiềm năng to lớn cho ngành nông nghiệp, thực tế ở Việt Nam vẫn còn một số hạn chế về cơ sở hạ tầng, tài chính và nhân lực. Để thúc đẩy ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp, cần có sự chung tay góp sức từ các cơ quan chức năng, tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp và người nông dân.