Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) vừa thực hiện chuỗi nội dung "Điểm tin tuần" tổng hợp những thông tin đáng chú ý về lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam qua đó giúp đông đảo người dân có thêm kiến thức, nhận diện được các hình thức lừa đảo giúp tự bảo vệ mình an toàn khi tham gia môi trường số.
Lừa đảo xem bói, giải hạn online dịp đầu năm 2025
Ảnh minh họa: NCSC |
Theo thông tin ghi nhận, vào dịp Tết 2025 vừa qua, lợi dụng yếu tố tâm linh khi dịp đầu năm, nhiều người đi khấn bái với mong muốn năm mới bình an, phát tài, tình trạng xem bói online (trên mạng xã hội) liên tục nở rộ, các hội nhóm này có tới hàng trăm nghìn thành viên tham gia.
Nạn nhân của các chiêu trò trên thường đang bế tắc, mất niềm tin vào cuộc sống thực, dẫn đến mù quáng tin vào những yếu tố tâm linh.
Trong khi đó, lợi dụng tâm lý đó, các đối tượng sẽ "tát nước theo mưa", dùng những lời lẽ đe dọa khiến nạn nhân sợ hãi và mong muốn được giải hạn. Nhiều người phải bỏ ra những khoản tiền lớn để giải hạn hoặc cầu vật chất. Thậm chí có những trường hợp còn làm bùa, ngải để hãm hại người khác.
Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, thận trọng không nên quá mù quáng tin vào hình thức liên quan đến tâm linh trên mạng xã hội. Chỉ nên lựa chọn và tìm đến những địa chỉ uy tín, không nên quá tin tưởng vào những hình thức biến tướng của hình thức xem tâm linh trên không gian mạng.
Mạo danh nhà mạng để chiếm đoạt tài sản
Ảnh minh họa: NCSC |
Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người lớn tuổi ít hiểu biết về mạng xã hội và công nghệ, các đối tượng lừa đảo sẽ gọi điện đe doạ kiện tụng khiến nhiều người mất trắng hàng chục đến hàng trăm triệu đồng.
Cụ thể, mới đây, ông LV.M (trú tại Hà Nội) nhận được một cuộc điện thoại lạ tự xưng là nhân viên nhà mạng Viettel, thông báo với ông M. về việc nợ cước viễn thông, đồng thời yêu cầu ông đóng khoản tiền hơn 10 triệu đồng để chấm dứt khoản nợ.
Thậm chí, đối tượng còn đe dọa ông nếu không thanh toán đầy đủ số tiền trong vòng 24h sẽ cắt thuê bao và gửi đơn kiện, đồng thời sẽ có công an gọi điện đến để xác minh.
Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân cần cao cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về các thủ đoạn lừa đảo trên. Với các vấn đề phát sinh trong quá trình sử dụng dịch vụ của các nhà mạng, người dân cần liên hệ đường dây nóng của nhà mạng hoặc đến các phòng giao dịch để được tư vấn, giải quyết kịp thời.
Tuyệt đối không chuyển tiền và cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại, tránh mắc bẫy lừa đảo của các đối tượng. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được hỗ trợ, giải quyết kịp thời.
Cảnh báo nguy cơ bị kiểm soát điện thoại từ số tài khoản ngân hàng lạ
Ảnh minh họa: NCSC |
Thời gian gần đây, các cảnh báo về phương thức kiểm soát số điện thoại từ số tài khoản ngân hàng được truyền tay rộng rãi trên mạng xã hội. Chiêu trò mới này đang được nhận định là rất nguy hiểm.
Theo đó, bằng cách thử đăng nhập trên website của ngân hàng và nhập sai nhiều lần, các đối tượng sẽ khiến tài khoản của nạn nhân bị khóa. Khi đó, chúng sẽ giả danh người của ngân hàng gọi điện đến, dụ người dùng vào đường dẫn nhằm tải ứng dụng giả mạo. Khi bị khóa tài khoản, người dùng ít kinh nghiệm sẽ dễ hoảng loạn và tin theo lời kẻ gian.
Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dùng cần lưu ý, khi gặp vấn đề về tài khoản ngân hàng, nên ra quầy thực hiện trực tiếp hoặc chủ động liên hệ qua kênh chăm sóc khách hàng chính thức của ngân hàng. T
Trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân cần ngay lập tức báo cáo cho ngân hàng hoặc cơ quan chức năng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.
Cảnh giác với tin nhắn email giả mạo Cục Hải quan
Ảnh minh họa: NCSC |
Mới đây, Cục Hải Quan Singapore đã đưa ra cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo giả mạo, tiếp cận người dân thông qua tin nhắn Email với nội dung sai lệch nhằm chiếm đoạt thông tin cá nhân và tài sản.
Các đối tượng xấu tạo lập tin nhắn Email giả mạo, sử dụng Logo của Cục Hải Quan Singapore (Singapore Customs). Nội dung tin nhắn bao gồm tiêu đề: “Thông báo hoàn thuế” và thông báo rằng đơn yêu cầu hoàn thuế của người dân đã được thông qua và xử lý, yêu cầu người dân truy cập vào đường dẫn được đính kèm để xác minh thông tin và thực hiện giao dịch chuyển tiền.
Sau khi khi truy cập vào đường dẫn, người dân sẽ được yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân và ngân hàng để tiến hành các thủ tục hoàn thuế. Lúc này, các đối tượng sẽ có được thông tin của nạn nhân, sử dụng nhằm thực hiện nhiều thủ đoạn lừa đảo khác.
Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác khi nhận được tin nhắn với nội dung tương tự như trên. Cẩn trọng xác thực thông tin thông qua các trang tin uy tín hoặc cổng thông tin chính thống.
Không cung cấp thông tin cá nhân khi chưa chắc chắn trang web mà mình truy cập là chính chủ. Khi nhận thấy dấu hiệu đáng ngờ, người dân cần nhanh chóng trình báo với lực lượng chức năng để kịp thời điều tra và ngăn chặn hành vi lừa đảo.
Cảnh giác khi nhận được tin nhắn giả mạo Trung tâm An ninh mạng Quốc gia
Ảnh minh họa: NCSC |
Trung tâm An ninh mạng tại Úc (ACSC) đã lên tiếng cảnh báo về hành vi lừa đảo giả mạo, tiếp cận nạn nhân thông qua Email để dụ dỗ người dân cung cấp thông tin cá nhân, ngân hàng hoặc tải về các ứng dụng và phần mềm độc hại.
Các đối tượng lừa đảo tạo lập tin nhắn giả mạo, chủ động gửi tới nạn nhân. Nội dung tin nhắn cho biết một trong các tài khoản trực tuyến mà nạn nhân sở hữu đã có những hoạt động đáng ngờ liên quan tới hành vi lừa đảo, nếu không kịp thời phản hồi, nạn nhân sẽ có nguy cơ phải đối mặt với tội danh lừa đảo theo quy định của pháp luật.
Tại đây, nạn nhân sẽ được yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân như số điện thoại, địa chỉ nhà, số căn cước,... và các thông tin ngân hàng để chứng minh tài khoản của mình không có các hoạt động lừa đảo.
Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác khi nhận được tin nhắn thông báo về những khoản tiền bất thường. Cẩn trọng xác minh nội dung tin nhắn thông qua các trang tin uy tín hoặc cổng thông tin chính thống.
Thủ đoạn lừa đảo giả mạo nhân viên Shopee
Ảnh minh họa: NCSC |
1 người phụ nữ Singapore đã trình báo với cảnh sát về vụ việc lừa đảo giả mạo nhân viên Shopee, yêu cầu thanh toán phí bảo hiểm hàng hóa nhằm chiếm đoạt tài sản. Được biết, nạn nhân đã chuyển 100.000 đô-la Singapore (hơn 1,8 tỷ đồng) cho các đối tượng lừa đảo.
Đối tượng chủ động gọi điện tiếp cận nạn nhân, tự xưng là nhân viên thuộc bộ phận dịch vụ khách hàng của Shopee, thông báo rằng nạn nhân chưa thanh toán phí bảo hiểm hàng hóa.
Trong quá trình trò chuyện, người này nói rằng nạn nhân đang bị nghi ngờ có liên quan đến một vụ rửa tiền, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền đến Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore (MAS) nhằm xác minh sự việc.
Sau khi đưa ra cáo buộc, cuộc gọi tiếp tục chuyển hướng nạn nhân tới một đối tượng tự xưng là cán bộ thuộc MAS, hướng dẫn nạn nhân thực hiện giao dịch chuyển tiền để phục vụ cho quá trình điều tra và xác minh cáo buộc mà các đối tượng xấu đưa ra cho nạn nhân. Chỉ sau vài giờ đồng hồ, nạn nhân đã chuyển 100.000 đô-la cho các đối tượng lừa đảo.
Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác khi nhận được các cuộc gọi lạ. Cẩn trọng xác minh danh tính của người gọi thông qua số điện thoại hoặc cổng thông tin uy tín và chính thống.