Sự xuất hiện của châu chấu gây ảnh hưởng tới mùa màng của người nông dân. |
Tính từ đầu tháng 4, châu chấu đã nở và gây hại trên cây ngô và cỏ dại tại các xã như Vũ Minh, Triệu Nguyên (Nguyên Bình), Bạch Đằng, Hồng Việt (Hòa An), Minh Khai (Thạch An), với diện tích nhiễm khoảng 6,8 ha (trong đó có 0,6 ha ngô và 6,2 ha cỏ dại). Trong tháng 5, châu chấu trưởng thành di chuyển mạnh mẽ và tấn công cây trồng với mật độ cao hơn, đặc biệt là trên rừng vầu với mật độ lên đến 600 - 1.000 con/m2, thậm chí tới 7.000 - 8.000 con/m2. Tổng diện tích châu chấu gây hại cây trồng, cỏ dại đã lên đến 449,61 ha, tăng gấp 7 - 8 lần so với năm 2023, đe dọa sự lan rộng nhanh chóng trên diện rộng.
Trước tình hình đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành Công văn số 807/SNN-TT&CN ngày 4/4/2024 về việc chủ động theo dõi và phòng, trừ châu chấu gây hại cây trồng. Đồng thời, cử cán bộ đến cơ sở hỗ trợ các huyện có châu chấu gây hại kiểm tra, theo dõi diễn biến mức độ gây hại và xác định thời gian châu chấu nở để phòng trừ ngay từ khi chúng còn non. Chỉ đạo các huyện xây dựng kế hoạch phòng chống, bố trí kinh phí dự phòng hỗ trợ công tác phun trừ dịch và cung cấp vật tư cần thiết. Theo báo cáo, diện tích đã phun trừ tỷ lệ chết đạt trên 90%, với tổng diện tích đã phun trừ châu chấu tre gây hại cây trồng, cỏ dại là 116,24 ha.
Với sự xuất hiện và gây hại của châu chấu tre trong khu rừng sâu, các vùng lân cận giữa các huyện tỉnh Cao Bằng, nơi xa tầm tay dân cư và địa hình phức tạp, việc phun thuốc ở xã Minh Khai trở nên khó khăn hơn. Hơn nữa, các diện tích bị nhiễm châu chấu gần nguồn nước và khu vực chăn nuôi không thể tiếp cận để phun thuốc bảo vệ thực vật. Chủ tịch UBND xã Minh Khai (Thạch An), Lương Trung Kiên, cho biết: Hiện, toàn xã gồm khoảng 30 ha lúa, 19 ha ngô và hơn 90 ha rừng vầu đều bị châu chấu tấn công, gây hại, đe dọa năng suất với mức thiệt hại từ 30 - 40%. Địa phương đang cần sự hỗ trợ từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cùng các cơ quan chức năng để bảo vệ mùa màng và phòng chống dịch cho nhân dân.
Hiện tại, châu chấu tre đang trong giai đoạn phát triển, có khả năng di chuyển nhanh hơn và lan rộng trên diện rộng. Nếu không đối phó kịp thời, sẽ gây ra thiệt hại nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất. Đồng thời, diện tích rừng vầu và diện tích ngô mùa lớn cung cấp nguồn thức ăn cho châu chấu phát triển và có thể gây ra dịch hại trong các năm tiếp theo.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng chọt và Chăn nuôi, Hoàng Văn Khánh, cho biết: Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang đề xuất UBND tỉnh ban hành quyết định công bố dịch châu chấu tre hại cây rừng và cây trồng nông nghiệp trên địa bàn các huyện Nguyên Bình, Thạch An, Hòa An; đồng thời, Sở Tài chính sẽ bổ sung ngân sách cho các địa phương. Đề nghị UBND các huyện và thành phố tăng cường chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND cấp xã huy động mọi nguồn lực của địa phương để tổ chức phòng trừ châu chấu tre lưng vàng.
Để đối phó với sự xuất hiện và gây hại của châu chấu tre lưng vàng, các địa phương cần tăng cường tổ chức điều tra, theo dõi, phát hiện và xử lý ngay từ khi chúng mới nở, không để dịch lan ra diện rộng, đặc biệt là tại những điểm có nhiều xác châu chấu trưởng thành chết từ năm trước và các khu vực đẻ trứng tập trung. Cần tiến hành theo dõi và xác định vị trí di chuyển của châu chấu tre. UBND các huyện và Thành phố cần chỉ đạo các xã trên địa bàn thông báo tình hình châu chấu tre gây hại cùng các biện pháp chỉ đạo phòng trừ. Cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn chủ rừng và nông dân tăng cường kiểm tra các diện tích rừng vầu, nứa, tre trên địa bàn; phát hiện và phòng trừ sớm, đồng thời báo ngay với cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời. Cần chủ động huy động mọi nguồn lực tại địa phương để hỗ trợ nông dân tiến hành phun thuốc diệt trừ châu chấu khi chúng di chuyển gây hại cây trồng nông nghiệp. Với các địa phương chưa phát hiện có châu chấu tre lưng vàng, cần tăng cường tổ chức điều tra, theo dõi, dự báo khả năng phát sinh, phát triển của châu chấu tre lưng vàng để chủ động phòng, chống và kịp thời ngăn chặn phát sinh gây hại trên diện rộng.
Mặc dù châu chấu non có nhiều loài thiên địch sử dụng chúng là thức ăn như gia cầm, chim, thú ăn tạp, bò sát, nhưng khi chúng bùng phát số lượng lớn, cần khuyến khích người dân áp dụng các biện pháp diệt châu chấu. Có thể sử dụng các dụng cụ phun rải thuốc bảo vệ thực vật thông thường hoặc dùng thiết bị UAV, máy xông khói đều có hiệu quả cao, phù hợp với đặc điểm sinh học của châu chấu và đặc thù của môi trường rừng núi. Trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam hiện nay có 3 loại thuốc bảo vệ thực vật đã được đăng ký phòng trừ châu chấu tre lưng vàng, gồm có Imidacloprid (Anvado 100WP), Thiosultap-sodium/Nereistoxin (Neretox 95WP), Emamectin benzoate + Lufenuron (Lufen extra 100EC).