![]() |
Năm 2025, HTX Thành Công huyện Thạch An liên kết với hơn 50 hộ dân trồng mới 20 ha nâng tổng diện tích lên hơn 40 ha cây gai xanh tại các huyện: Thạch An, Quảng Hòa, Hà Quảng. |
Không ồn ào như những cây dược liệu quý hay những cây công nghiệp truyền thống, cây gai xanh phát triển lặng lẽ nhưng bền bỉ. Hơn cả một giống cây mới, nó mở ra một cách làm nông kiểu mới, không còn “được mùa mất giá”, không còn lo đầu ra. Mô hình trồng cây gai xanh được Hợp tác xã Thương mại dịch vụ Thành Công (HTX), xã Lê Lợi, huyện Thạch An triển khai từ năm 2022, ban đầu chỉ có 8 thành viên tham gia trồng trên vài ha đất. Song, hiệu quả kinh tế vượt trội của loại cây “ít sâu bệnh, dễ trồng, thu hoạch nhiều năm” này đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của đông đảo nông dân.
Đến năm 2025, HTX đã liên kết với hơn 50 hộ dân, trồng mới 20 ha, nâng tổng diện tích lên hơn 40 ha tại các huyện: Thạch An, Quảng Hòa, Hà Quảng. HTX không chỉ cung cấp giống gai xanh chất lượng (giống AP1), mà còn phối hợp hướng dẫn kỹ thuật, theo dõi quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, đặc biệt là bao tiêu toàn bộ sản phẩm thông qua liên kết với Công ty Cổ phần Nông nghiệp An Phước.
Cây gai xanh không đòi hỏi phải trồng lại mỗi năm. Sau một lần trồng, người dân có thể khai thác liên tục từ 3–5 năm. Mỗi năm có thể thu 3–4 lứa, cho sản lượng ổn định và thu nhập cao. Chỉ riêng phần vỏ cây, giá thu mua đã là 40.000 đồng/kg vỏ khô, mỗi 1 ha cho doanh thu 80 –100 triệu đồng/năm, gấp khoảng 3 lần so với cây ngô, cây sắn.
Khi người dân không còn lo “được mùa mất giá” thì niềm tin của họ đã được củng cố, dù có khó khăn, họ cũng sẵn sàng chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Hộ ông Nông Văn Vĩnh, xã Lê Lợi, huyện Thạch An, là một trong những hộ tiên phong tham gia trồng cây gai xanh với diện tích ban đầu 3.000 m². Chỉ sau một vụ đã thu hoạch gần 1 tấn, thu nhập hơn 30 triệu đồng. Thấy rõ hiệu quả, đầu năm 2025, ông Vĩnh mạnh dạn mở rộng trồng cây gai xanh gần 1 ha. “Từ khi chuyển sang trồng gai xanh, tôi yên tâm hơn khi HTX hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu hết sản phẩm. Năm nay dự kiến sau thu hoạch, gia đình tôi thu hơn 100 triệu đồng. Trồng cây này khỏe, vụ thứ 2 chỉ phải làm cỏ, mấy đợt sau bón phân rồi thu hoạch”. Ông Vĩnh chia sẻ
![]() |
Giá thu mua 40.000 đồng/kg vỏ khô cây gai xanh, mỗi ha cho người trồng doanh thu 80 triệu – 100 triệu đồng/năm, gấp 3 lần so với cây ngô, cây sắn trên cùng đơn vị diện tích. |
Tại huyện Quảng Hòa, gia đình ông Hoàng Văn Giám, xóm Trung Thành, xã Tiên Thành cũng có bước chuyển rõ rệt. Trên diện tích 6.000 m² trước kia chỉ trồng ngô, sắn kém hiệu quả, giờ đây là những luống gai xanh tươi tốt. Ông Giám nhận định “Cây này dễ trồng, ít công làm cỏ, thu hoạch nhanh. So với cây ngô, cây sắn thì hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần. Bây giờ trong xóm nhiều người cũng đang chuyển sang trồng cây gai xanh”.
Mấu chốt của sự phát triển bền vững chính là tạo sự liên kết giữa 3 nhà ( nhà nước, doanh nghiệp và người dân), đồng thời đây cũng là tiêu chí để xây dựng mô hình HTX điển hình. Xác định được hướng đi mới của mình, HTX Thành Công không chỉ là đầu mối kỹ thuật và bao tiêu, mà còn là trung tâm lan tỏa cách làm nông hiện đại. Chủ tịch HĐQT HTX Nông Minh Thuận cho biết “HTX hiện trồng khoảng 40 ha, tập trung chủ yếu tại huyện Thạch An và liên kết trồng với nông dân các xã ở 2 huyện: Quảng Hòa, Hà Quảng. Năm 2024 sản lượng đạt gần 20 tấn vỏ khô. Hợp tác lên kết chặt chẽ với Công ty An Phước nên các hộ trồng yên tâm, vụ nào xong thanh toán vụ đó. Chúng tôi cũng mong muốn được hỗ trợ thêm từ Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng về quản lý và được tham gia vài các chương trình hỗ trợ chuỗi liên kết cộng đồng”. Có được sự liên kết chặt chẽ phải bắt đầu từ công việc tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân. “HTX Thành Công đang tham gia mạng lưới liên minh hợp tác xã, thường xuyên được cử đi tập huấn, học tập các mô hình tiên tiến. Nhờ vậy, HTX ngày càng hoàn thiện năng lực quản lý và mở rộng chuỗi giá trị”. Ông Thuận khẳng định thêm.
Cây gai xanh không chỉ để dệt sợi, mỗi bộ phận của cây này đều có thể khai thác: Vỏ cây để sản xuất sợi phục vụ ngành dệt may. Lá cây để chiết xuất tinh dầu, làm thức ăn chăn nuôi; thân cây làm nguyên liệu sản xuất giấy. Do vậy, cây gai xanh đã và đang trở thành cây sinh kế giúp người dân tăng thu nhập, phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp bền vững. Với ưu thế chịu hạn tốt, ít sâu bệnh, phù hợp với khí hậu nóng ẩm, cây gai xanh đang dần trở thành lựa chọn lý tưởng cho những vùng đất dốc, đất bạc màu chiếm tỷ lệ lớn ở Cao Bằng.
Từ thành công ban đầu, HTX Thành Công đang có kế hoạch mở rộng mô hình trồng cây gai xanh, tiệp tục phát triển liên kết với các HTX để hình thành vùng nguyên liệu cây gai xanh quy mô lớn, tiến tới xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến tại địa phương.
Tuy nhiên, để mô hình phát triển bền vững, người dân và HTX rất cần tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư cơ sở hạ tầng chế biến. Tăng cường đào tạo, tập huấn kỹ thuật canh tác, quản trị sản xuất. Tăng cường kết nối thị trường và doanh nghiệp tạo đầu ra ổn định. Có chính sách khuyến khích để phát triển cây công nghiệp có giá trị như gai xanh. Gai xanh không phải phép màu mà là kết quả của một cách làm mới: sản xuất có liên kết, có thị trường, có kỹ thuật và có sự đồng hành từ HTX.
Đến nay đã có hàng chục hộ chuyển đổi trồng từ vài ha nhỏ lẻ cây gai xanh, nay đã hình thành vùng nguyên liệu. Đó là minh chứng, khi người nông dân có niềm tin và chuyển đổi cây trồng phù hợp, đúng hướng, họ có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê mình.