![]() |
Lãnh đạo Cục Trồng trọt và BVTV kiểm tra lúa vụ xuân của Nghệ An bị lép hạt trên diện rộng |
Theo báo cáo của Trung tâm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khu IV nhiều diện tích lúa gieo cấy sớm hơn lịch thời vụ từ 10 – 15 ngày thậm chí một số vùng sớm hơn đến 30 ngày, cụ thể: Diện tích lúa cấy khoảng 7.025 ha (lúa lai 5.274 ha, 1.751 ha). Các huyện có diện tích gieo mạ và cấy trước lịch lớn: Yên Thành, Tân Kỳ, Diễn Châu, Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu, Con Cuông,...); Diện tích lúa gieo thẳng: Tổng diện tích gieo trước lịch thời vụ 867 ha. Các huyện có diện tích gieo sạ trước lịch lớn: Tân Kỳ, Anh Sơn, Nghĩa Đàn, Hưng Nguyên, Yên Thành); Diện tích cá biệt: Tại một số vùng như xã như Hương Sơn, Đồng Văn huyện Tân Kỳ; xã Bình Sơn, Thọ Sơn huyện Anh Sơn, Châu Nhân huyện Hưng Nguyên nông dân gieo cấy trước lịch thời vụ 22 – 30 ngày.
Về hiện tượng lúa trỗ thoái hóa đầu bông, gié, nhìn chung vụ Xuân 2025 đa số các diện tích lúa trên địa bàn có xuất hiện hiện tượng thoái hóa đầu bông, gié. Một số giống có mức độ thoái hóa cao hơn như: Lúa lai: Thái Xuyên 111, VT404, HYT100, An Nông 1424, ADI 73, VT868, Syn 8, Syn 12, Syn 18, Dương ưu 612, LC25, Q.ưu 6, Thụy Hương 308; Lúa thuần: AYT 77, AC5, TBR225, Dự hương 8, Q5, … Qua kiểm tra đánh giá cho thấy: Những diện tích trỗ trước 20/4 nhìn chung có mức độ thoái hóa cao hơn các diện tích trổ sau 20/4/2025.
![]() |
Ngành nông nghiệp Nghệ An đã có buổi hội thảo đánh giá tình hình sản xuất lúa vụ xuân 2025 |
Đối với tỷ lệ bông lép xanh, không kết hạt cao xuất hiện nhiều trên diện tích lúa trổ trước 15/4/2025, đặc biệt trên những diện tích trổ sớm trước 10/4/2025. Tuy nhiên, trên một số ít giống, diện tích nhỏ hiện tượng này xuất hiện cả trên những diện tích trổ xung quanh 15/4/2025 như D ưu 725 (Hà Xuyên 1425), HYT100, An Nông 1424, ADI73, ... Những diện tích trổ từ sau 15 - 20/4/2025 tỷ lệ lép xanh, không kết hạt ít hơn so với những diện tích lúa trổ trước 15/4/2025. Những diện tích trỗ sau 20/4 cơ bản lúa trổ thoát nhanh, tỷ lệ hạt lép thấp, ít bị ảnh hưởng năng suất.
Qua khảo sát đánh giá, tỉnh Nghệ An có tổng diện tích có tỷ lệ lép cao: 2.736,28 ha cụ thể: Diễn Châu (1.925,79 ha), Thái Hòa (305 ha), Anh Sơn (193 ha), Yên Thành (150 ha), Nghi Lộc (06 ha), Đô Lương (156,49 ha).
Riêng tại các huyện như Anh Sơn (xã Bình Sơn, Thọ Sơn), Tân Kỳ (xã Hương Sơn, Đồng Văn) các giống có mức độ lép cao như: Hà Xuyên 1425, An Nông 1424, VT 404,... với tỷ lệ lép khoảng 40 - 60%, một số diện tích tỷ lệ bị lép lửng, không kết hạt trên 70%.
Tại các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Thái Hòa, …: Hiện tượng lép xanh xuất hiện nhiều trên diện tích lúa trỗ trước 15/4/2025, và trên nhiều giống khác nhau, trong đó các giống có mức độ lép cao như: D ưu 725 (Hà Xuyên 1425), An Nông 1424, HYT 100, ADI 73, AYT77, VT404,... với tỷ lệ khoảng 40 - 60%, cục bộ một số diện tích tỷ lệ bị lép lửng, không kết hạt trên 70%.
![]() |
Các giống luá trỗ bông không kết hạt, tỷ lệ lép cao,...gây tâm lý hoang mang cho người dân |
Đặc biệt, vụ Xuân 2025 có 38 giống lúa (19 giống lúa lai, 19 giống lúa thuần) có một số diện tích, vùng bị bị ảnh hưởng dẫn đến thoái hóa đầu bông nhiều, tỷ lệ hạt lép cao hoặc không kết hạt. Trong 38 giống lúa nói trên thì có 14 giống lúa ngoài cơ cấu của Đề án tổ chức sản xuất trồng trọt vụ Xuân 2025 gồm: LC 25, Syn 12, Syn 18, C. ưu đa hệ 1, D. ưu 168, Khang dân 18, Nếp A Sào, CS 04, Q5, Xuân ưu, Thái Hà, Ngọc Nương 9, KOJI, DT 82. Các giống ngoài cơ cấu giống chưa được công nhận lưu hành tại Nghệ An gồm: D. ưu 168, Thái Hà, Xuân ưu, Ngọc Nương 9.
Qua trao đổi, ông Nguyễn Ngọc Hoàn - Giám đốc Công ty CP Đầu tư thương mại và phát triển nông nghiệp ADI Chi nhánh miền Trung (đơn vị cung ứng giống ADI73) cho biết: Sau khi có những thông tin đó, phía công ty cũng đã vào để đánh giá sự thất thiệt của cây lúa xem nguyên nhân chính từ đâu. Ông Hoàn cũng khẳng định đa phần năm nay nếu cấy đúng thời vụ đánh giá năng suất cao nhưng do dân cấy giống không đúng thời vụ mới dẫn đến các hiện tượng đó.
![]() |
Cục Trông trọt và Bảo vệ thực vật và ngành nông nghiệp Nghệ An kiểm tra tình hình của cây lúa tại xã Phú Thành, Yên Thành |
Sau khi kiểm tra tình hình thực tế tại các địa phương, lãnh đạo Trung tâm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khu IV đã đưa ra một số kiến nghị đề xuất về Thời vụ gieo cấy bắt buộc các địa phương và bà con nông dân phải tuân thủ. Bởi sản xuất nông nghiệp là khí hậu ngoài trời, chịu ảnh hướng, tác động của nhiều yếu tố. Đặc biệt, ở vùng khu 4 nói chung và Nghệ An nói riêng được đánh giá là “vùng chảo lửa, túi mưa” có nhiều bất lợi cho ngành nông nghiệp. Việc lựa chọn cơ cấu giống cho cây trồng ngoài yếu tố năng suất, chất lượng còn cần khảo sát đánh giá kỹ khả năng thích ứng của giống lúa với từng vùng sinh thái như mùa vụ, điều kiện thâm canh, tập quán canh tác,..
Thời tiết là điều bất khả kháng nhưng để người dân gieo cấy trước khung thời vụ 10 - 15 ngày, cá biệt có nơi trước 22 - 30 ngày là lỗi của nông dân nhưng trách nhiệm quản lý nhà nước và chuyên ngành cần phải được làm rõ. Mặt khác, để tình trạng giống trôi nổi trên thị trường thì ngoài công tác tuyên truyền, cần đặt vấn đề về trách nhiệm quản lý nhà nước ở một địa phương có quy mô sản xuất lúa lớn trên 91.000ha như Nghệ An.