![]() |
Ảnh minh họa. |
Theo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương), đơn vị vừa ban hành Quyết định số 48/QĐ-CT về việc xử lý vụ việc cạnh tranh đối với Công ty TNHH Nhất Nhất.
Nội dung quyết định như sau: Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh đối với Công ty TNHH Nhất Nhất (Mã số doanh nghiệp: 0101983927 do Sở KH&ĐT Thành phố Hà Nội cấp lần đầu ngày 27 tháng 6 năm 2006) với số tiền 200.000.000 đồng (Hai trăm triệu đồng) về hành vi đưa thông tin gây nhầm lẫn cho khách hàng về sản phẩm Sữa rửa mặt Lenka, Nước ngậm răng miệng Nhất Nhất, Dung dịch xịt họng Nhất Nhất, Dung dịch xịt họng Nhất Nhất Kid,… nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác vi phạm quy định tại điểm a khoản 5 Điều 45 Luật Cạnh tranh.
Trong quá trình điều tra, Công ty TNHH Nhất Nhất đã tích cực phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu cho Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia; đã có hành vi ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của vi phạm.
Ngoài ra, Công ty TNHH Nhất Nhất đã cải chính công khai thông tin gây nhầm lẫn cho khách hàng về các sản phẩm trên trang thông tin điện tử của Công ty TNHH Nhất Nhất, trang mạng xã hội Youtube, Facebook.
Trước đó, hồi tháng 5/2016, Công ty TNHH Nhất Nhất đã bị Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) xử phạt vi phạm hành chính 30 triệu đồng vì quảng cáo thuốc hoạt huyết Nhất Nhất không đúng với nội dung đã đăng ký.
Trên website chính thức, Công ty TNHH Nhất Nhất cho biết doanh nghiệp được thành lập năm 2006, là đơn vị phân phối của Công ty TNHH Dược Phẩm Nhất Nhất (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An).
Theo Cổng thông tin Quốc gia về doanh nghiệp, Công ty TNHH Nhất Nhất do ông Lê Đức Lộc (sinh năm 1959) giữ chức vụ Giám đốc kiêm Người đại diện pháp luật. Hiện, doanh nghiệp có vốn điều lệ 30 tỷ đồng. Trong đó, bà Nguyễn Thị Huyền và bà Nguyễn Thị Thủy góp mỗi người 50% vốn.
Doanh nghiệp này đang phân phối gần 30 sản phẩm là thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, hóa mỹ phẩm và thiết bị y tế. Trong đó, có một số sản phẩm nổi bật như thuốc hoạt huyết Nhất Nhất, đại tràng Nhất Nhất, dạ dày Nhất Nhất...
Ngày 19/5, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới (Tổ công tác 950) đã họp phiên thứ nhất. Phát biểu tại cuộc họp Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn, Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ là công việc rất quan trọng, mang tính lâu dài, cần được tiến hành thường xuyên, toàn diện, liên tục nhằm đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt tình trạng này để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp, bảo vệ an ninh, an toàn sức khỏe cho người dân, góp phần phục vụ đất nước phát triển nhanh, bền vững. Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã có cuộc họp, ban hành các công điện, chỉ thị yêu cầu mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, lực lượng theo chức năng, thẩm quyền quán triệt triển khai nghiêm túc Công điện số 65/CĐ-TTg về mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; Chỉ thị số 13/CT-TTg về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; hoàn thiện, ban hành trong ngày 20/5 kế hoạch hành động chi tiết thực hiện đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong ngành, lĩnh vực mình quản lý, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm; thành lập tổ công tác của bộ, ngành mình để theo dõi, đôn đốc quá trình triển khai các kế hoạch nêu trên. Các thành viên của Tổ công tác phải trực tiếp nắm tình hình, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ của bộ, ngành mình; tập trung rà soát hệ thống văn bản pháp luật trong ngành, lĩnh vực được giao, kịp thời sửa đổi hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhằm phòng ngừa các đối tượng lợi dụng kẽ hở pháp luật để sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng. "Phải tiến hành kiểm tra ngay khi người dân phản ánh có tình trạng buôn bán, sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng; xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm", Tổ trưởng Tổ công tác nhấn mạnh. Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phối hợp chặt chẽ, tích cực với các thành viên của Tổ công tác trong đợt cao điểm; không vì việc sáp nhập đơn vị hành chính mà buông lỏng công cuộc đấu tranh chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, các cơ quan truyền thông trong công tác tuyên truyền phải đảm bảo đạo đức nghề nghiệp, rà soát quảng cáo sản phẩm, nhất là mặt hàng liên quan đến sức khỏe, nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của người dân vào công cuộc chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái. |