![]() |
Giám đốc HTX Nông nghiệp 118 Bảo Lạc Nông Văn Hoàn kiểm tra chất lượng kén tại xưởng thu mua kén tằm xã Cô Ba, huyện Bảo Lạc của HTX. Ảnh Quốc Sơn. |
Kiên trì vượt khó bắt tằm… “nhả bạc”
Trên đường đưa tôi đến xưởng thu mua kén tằm của HTX ở xã Cô Ba, huyện Bảo Lạc bằng xe ô tô bán tải của mình, Giám đốc HTX Nông Văn Hoàn, trạc tuổi 40 kể với tôi câu chuyện mà anh đã “bén duyên” với cây dâu, con tằm, bằng giọng nói khiêm nhường, cởi mở và điềm đạm, tự tin.
Tôi sinh ra trong gia đình thuần nông ở xóm Lũng Tiến, xã Hồng Trị, một vùng quê nghèo của huyện Bảo Lạc. Cuộc sống gia đình tôi như bao hộ nông dân khác, quanh năm lam lũ với cây ngô, cây lúa, con bò, luôn thiếu trước hụt sau. Những năm mất mùa hay vào những tháng giáp hạt, thấy cảnh nhiều hộ trong xóm, trong đó có gia đình tôi cứ kiếm bữa nay lo bữa mai, rồi lại trông chờ vào sự hỗ trợ, cứu đói của Nhà nước, mà tôi tự vấn “Phải làm gì cho gia đình mình, cho cả người dân trong cộng đồng bớt khổ, thoát cảnh nghèo trên chính mảnh đất quê hương?”.
Rồi một cơ duyên, năm 2012, anh Hoàn đến xã biên giới Cô Ba, huyện Bảo Lạc được nghe người dân nói nhiều về mô hình trồng dâu, nuôi tằm của ông Lăng Văn Sông, khi đó làm Chủ tịch UBND xã Cô Ba làm theo chủ trương hợp tác quốc tế về trồng dâu, nuôi tằm giữa huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) và huyện Nà Po, Quảng Tây (Trung Quốc) cho giá trị kinh tế. Anh đã đến tận nơi để tìm hiểu, được ông Sông truyền kinh nghiệm, tận tình hướng dẫn kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm.
“Trở về, tôi tìm hiểu cặn kẽ địa hình, đất đai, độ ẩm, nguồn nước, thấy nơi mình ở rất thích hợp trồng dâu, nuôi tằm, vợ chồng tôi bàn nhau quyết định đầu tư trồng dâu, nuôi tằm, làm kinh tế gia đình. Tôi dồn hết số tiền tiết kiệm được 60 triệu đồng để mua cây dâu giống về trồng trên diện tích 0,5 ha đất canh tác của gia đình. Năm 2013, tôi sang huyện Nà Po (Trung Quốc) mua con tằm giống về nuôi. Do còn thiếu kinh nghiệm và chưa nắm chắc kỹ thuật nuôi tằm, nên 2 năm đầu, mô hình dâu, tằm xem như thất bại, vợ chồng tôi chẳng có thu nhập”. Anh Hoàn bồi hồi nhớ lại.
![]() |
Nông dân các xã bán kén tằm cho HTX Nông nghiệp 118 Bảo Lạc tại xưởng thu mua xã Cô Ba, huyện Bảo Lạc của HTX. Ảnh Quốc Sơn. |
Thất bại nhưng không nản, vợ chồng anh Hoàn động viên nhau phải kiên trì mới thành công. Không bỏ cuộc, anh Hoàn bắt tay làm lại từ đầu, vì nhận thấy trồng dâu, nuôi tằm là hướng đi rất triển vọng trong phát triển kinh tế gia đình. “Một lần nữa, tôi lại đến xã Cô Ba học hỏi kinh nghiệm và sang tận huyện Nà Po trực tiếp học kỹ thuật nuôi tằm với một số chuyên gia người Trung Quốc. Trở về địa phương, tôi mở rộng diện tích trồng dâu lên 1 ha và mua 2 hộp tằm giống về nuôi, lần nuôi này cho vợ chồng tôi thu 1.00 kg kén, bán được hơn 15 triệu đồng. Và những năm sau đó, mỗi năm tôi nuôi 10 – 12 lá tằm, bình quân đạt 70 – 80 kg kén/lá, trừ chi phí thu nhập 130 triệu đồng/năm. Thế là bài toán thoát nghèo, cơ hội làm giàu cho mình và cho những người dân trong cộng đồng trên chính mảnh đất quê hương, mà bao lâu nay tôi trăn trở đã có lời giải. Cứ kiên trì vượt khó, thất bại không nản và đam mê với khát vọng, bắt tằm phải… “nhả bạc”, thành công sẽ mỉm cười”. Nụ cười hiền, mắt ánh vẻ thân tình, anh Hoàn mộc mạc kể.
![]() |
Hơn 3 ha vườn ươm cây dâu giống của HTX Nông nghiệp 118 Bảo Lạc hàng năm cung ứng cho hơn 40 vạn cây giống cho 700 – 800 hộ trồng dâu, nuôi tằm. Ảnh Quốc Sơn. |
Lan toả cảm hứng trong cộng đồng
Thành công của anh Hoàn được nhiều nông dân trong xã và các xã lân cận đến tìm hiểu, học tập và được anh nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, truyền đạt kỹ thuật với mong muốn nghề trồng dâu, nuôi tằm phát triển mạnh trong cộng đồng. Nhận thấy phong trào trồng dâu, nuôi tằm của 2 huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm phát triển, nhu cầu tằm giống khá lớn, mà người nuôi phải mua giống từ Trung Quốc, thủ tục nhập tằm giống qua đường tiểu ngạch rất khó khăn, thêm vào đó đường vận chuyển lại xa, ảnh hưởng đến chất lượng tằm giống và chi phí vận chuyển lại cao.
“Trước thực tế đó, tôi xin chính quyền địa phương làm thủ tục thông hành cho vợ mình sang huyện Nà Po học kỹ thuật ươm trứng giống tằm. Sau 6 tháng học trở về, vợ chồng tôi đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm thiết bị và tiến hành ươm trứng tằm sản xuất con giống phục vụ nhu cầu của người dân nuôi tằm tại địa phương và các xã lân cận. Từ năm 2018 đến nay, tôi đã đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng 3 nhà xưởng, kho lạnh tổng diện tích hơn 900 m2 phục vụ thu mua kén và sản xuất tằm giống, sức chứa 13.000 hộp tằm giống/lứa”. Anh Hoàn vui vẻ cho biết.
Để nghề trồng dâu, nuôi tằm phát triển bền vững, giúp nông dân nuôi tằm có đầu ra tiêu thụ ổn định, năm 2019, anh Hoàn thành lập HTX Nông nghiệp 118 Bảo Lạc, vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng, với 9 thành viên, do anh làm giám đốc. Với tư duy đổi mới, năng động, anh Hoàn cùng các thành viên HTX đã thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất với nông dân. HTX chuyên sản xuất, cung ứng giống cây dâu nuôi tằm, ươm tằm giống và bao tiêu kén tằm, hỗ trợ kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm cho các hộ nuôi 2 huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc và một số xã của huyện Hà Quảng, thành phố Cao Bằng cùng các tỉnh Hà Giang, Bắc Kạn.
Anh Hoàn kể, năm 2020 – 2022, dịch covid bùng phát, hoạt động các cửa khẩu đều đóng cửa, trứng tằm để ươm giống, vật tư phục vụ nuôi tằm không nhập về được, sản xuất bị đình trệ, sản phẩm không bán được vì kén tằm chủ yếu tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc, các hộ nông dân lo lắng, không còn mặn mà với nghề trồng dâu, nuôi tằm, nhiều diện tích cây dâu bỏ hoang… Trước thực tế nghề trồng dâu, nuôi tằm của huyện đang dần bị lãng quên, HTX đã chủ động đi tìm thị trường tại các tỉnh có nghể trồng dâu, nuôi tằm phát triển, như: Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Yên Bái, Sơn La. Sau hành trình 2 năm nỗ lực tìm kiếm thị trường, năm 2022, HTX đã liên kết, ký hợp đồng bao tiêu ổn định 300 tấn kén tằm/năm với Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Tây Bắc.
“Để nâng cao hiệu quả sản xuất, năm 2023, tôi đã nghiên cứu xây dựng nhà băng trứng ươm giống tằm con và thiết kế nhà dụng cụ nuôi tằm lấy kén. Với giải pháp này, tôi nuôi tằm dưới nền xi măng nên tằm sống khoẻ, khi nhặt tằm lên, cánh quạt né quay tự nhiên đến khi tằm nhả hết tơ. Không còn phụ thuộc vào thiết bị lên né của Trung Quốc, lại giảm khoảng 50% sức lao động nuôi tằm và cho năng suất kén vượt trội. Nhờ đó đã tiết giảm đáng kể chi phí sản xuất. Thiết bị cung ứng cho người nuôi sử dụng rất hiệu quả. Giải pháp này, tôi được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao giải nhì Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông năm 2024”. Anh Hoàn vui vẻ cho hay.
![]() |
HTX Nông nghiệp 118 Bảo Lạc vinh dự được Liên minh HTX Việt Nam vinh danh “HTX tiêu biểu” và tặng Giả thưởng “Ngôi sao HTX – CoopStar Awards năm 2025”. |
Thực hiện liên kết sản xuất, HTX cung ứng vật tư, thiết bị nuôi tằm và cây dâu giống, tằm giống cho các hộ nuôi. Đối với hộ nghèo, HTX cho ứng trước không lấy lãi, sau 1 năm các hộ có thu nhập từ bán kén mới phải trả tiền.
Ông Hoàng Văn Minh, một hộ nghèo ở xóm Lũng Tiến, xã Hồng Trị cho biết, được Giám đốc HTX Hoàn cho ứng trước cây dâu giống, thiết bị vật tư và tằm giống không lấy lãi, tôi trồng 1,5 vạn cây dâu trên diện tích 750 m2 đất canh tác, mỗi năm nuôi được 8 – 10 lá tằm, thu 400 kg kén, bán được 80 triệu đồng. Từ tiền bán kén đã giúp cuộc sống của gia đình ổn định hơn rất nhiều.
Ông Chung Văn Sấn, dân tộc Lô Lô, xóm Khau Trang, xã Hồng Trị, trồng 10.000 cây dâu, nuôi tằm, hàng năm bán kén thu hơn 70 triệu đồng. “Trồng dâu, nuôi tằm, bán kén cho thu nhập cao, người dân có cơ hội làm giàu trên mảnh đất của mình. Có Hợp tác xã Nông nghiệp 118 tại huyện bao tiêu kén tằm, nông dân trồng dâu, nuôi tằm không lo đầu ra, yên tâm sản xuất”. Ông Chung Văn Sấn hồ hởi nói.
Hiện, HTX có khoảng 3 ha vườn ươm giống cây dâu, hàng năm cung ứng 40 vạn cây giống, sản xuất 13.000 hộp tằm giống cung ứng cho 700 – 800 hộ nuôi mỗi năm và trung bình bao tiêu hơn 150 tấn kén/năm cho nông dân. Tổng doanh thu của HTX đạt hơn 45 tỷ đồng/năm, lợi nhuận hơn 1,8 tỷ đồng. HTX tạo việc làm cho 14 – 16 lao động thời vụ, thu nhập 230 nghìn đồng/người/ngày công.
Từ một nông dân nghèo, anh Nông Văn Hoàn đã nỗ lực vượt khó vươn lên làm chủ cuộc sống, trở thành một giám đốc HTX tiêu biểu. Anh là gương điển hình truyền cảm hứng cho nhiều nông dân về sự kiên trì, bền bỉ, dám nghĩ, dám làm và trách nhiệm với cộng đồng. Với thành tích nổi bật, năm 2024, anh Nông Văn Hoàn vinh dự được nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc" và HTX Nông nghiệp 118 Bảo Lạc do anh làm giám đốc được vinh danh “HTX tiêu biểu toàn quốc”, do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng. Và là một trong 100 HTX trong cả nước được Liên minh HTX Việt Nam vinh danh “HTX tiêu biểu” và trao giải “Ngôi sao HTX – CoopStar Awards 2025”.