![]() |
Chị Nguyễn Thị Hoan trên cánh đồng trồng dong. |
Từ cây trồng chống đói
Về thăm xã Côn Minh, không khó nhận thấy sự khác biệt về địa hình, địa chất của nơi đây khi chủ yếu là những dãy núi đá vôi trùng điệp, tuy nhiên đây lại là điều kiện lý tưởng cho cây dong riềng đỏ phát triển. Như bao hộ gia đình khác ở Côn Minh, gia đình chị Hoan cũng làm miến dong từ năm 1965 với mục đích chống đói. Đặc biệt, sau khi lập gia đình, trong một lần phụ mẹ tráng miến ăn tết, chị Hoan đã nghĩ làm miến sẽ là cơ hội thoát nghèo và chị được mẹ truyền cho công thức làm bột, tráng miến truyền thống.
Tuy nhiên khó khăn nhất với chị Hoan là vốn. Cả gia đình chỉ có 20 triệu đồng để vừa trồng dong vừa làm miến, chị đành lấy ngắn nuôi dài giúp chị ổn định được sinh kế ban đầu. Sau đó, năm 2007 chị mạnh dạn vay vốn ngân hàng mua thêm máy móc, sản lượng miến làm ra gấp 5 – 6 lần làm thủ công (khoảng 500 kg/ngày). Làm ra nhiều nhưng chưa có đầu ra ổn định, bị tồn kho, chị Hoan lại phải giải bài toán thị trường. "Mới đầu tôi phải đi len lỏi vào các cửa hàng để mời họ xem miến, nhiều lúc tôi cũng rất nản vì có người không tiếp. Người ta thấy sản phẩm chưa chắc đã bán được nhưng tôi kiên nhẫn chờ đợi đến khi nào người ta tiếp mình giới thiệu sản phẩm mới thôi", chị Hoan tâm sự.
Năm 2018, được sự động viên của các sở ban ngành, chị Hoan đã cùng 16 thành viên thành lập Hợp tác xã miến dong Tài Hoan. HTX nhanh chóng mở rộng sản xuất, liên kết với hơn 700 nông hộ trồng dong ở huyện Na Rì (cũ), đầu tư dây chuyền khép kín với các loại máy hiện đại như máy nghiền củ, máy tách bột, máy tráng và hoàn thiện hệ thống đóng gói, nhãn mác.
Chị Hoan cho biết, ngày trước giá dong chỉ 600 đồng/kg, quá thấp nên bà con không muốn đào lên để bán. Từ khi áp dụng máy móc vào sản xuất cũng đã kéo giá thu mua dong lên. Những củ dong già được tuyển chọn nghiền lấy bột rồi đem đi lọc, lọc đóng vai trò quyết định đến độ trắng bóng và độ dai của miến. Thông thường bột sẽ được lọc trong 5 đến 7 ngày, mỗi ngày thay nước từ 2 đến 3 lần. Nếu thời tiết tốt thì việc làm miến thuận lợi, miến tráng thủ công có lúc sợi dày sợi mỏng hơn nhưng từ khi đưa vào tráng máy thì đồng đều và chất lượng ổn định hơn.
Liên kết với nông dân canh tác theo mô hình hữu cơ
Hướng đến sản phẩm không chỉ ngon, mang hương vị truyền thống mà còn phải an toàn nên HTX hoàn toàn không sử dụng chất tạo màu hay chất bảo quản. Đối với vùng nguyên liệu trồng, HTX chuyển giao kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, hình thành vùng nguyên liệu dong sạch và đưa ra bà con 1 giá sàn cố định để bà con yên tâm sản xuất. "HTX còn hướng dẫn bà con làm “phân hữu cơ” bằng chế phẩm Emuniv và chế phẩm Bio-Adb để bón cho dong, vừa tốt cho cây vừa không làm hại đất trồng", chị Hoan cho biết.
Ông Hoàng Văn Chương, nông dân xã Côn Minh chia sẻ: Trước đây nông dân trồng dong bón phân rất ít, làm cỏ không kỹ, không lên luống nên năng suất không cao. Giờ được HTX Tài Hoan hướng tới canh các theo mô hình hữu cơ năng suất cao hơn hẳn, củ dong cũng giàu tinh bột hơn, HTX còn bao tiêu sản phẩm, giá cả ổn định nên người dân có thể sống dựa vào cây dong.
Còn bà Nông Thị Bình, nông dân trồng dong xã Côn Minh chia sẻ: Trước đây trồng dong theo phương pháp truyền thống thu nhập rất thấp nhưng đến nay trồng theo mô hình hữu cơ giúp nâng cao giá trị miến dong. Rồi lại được HTX Tài Hoan xuất khẩu miến dong ra nước ngoài khiến giá dong tốt hơn trước rất nhiều. Tôi từ một hộ nghèo đến nay đã có nguồn thu ổn định từ trồng dong, đời sống được cải thiện rõ rệt.
![]() |
HTX Tài Hoan đã tạo công ăn việc làm cho hơn 40 lao động địa phương. |
Trước đây, làm miến phải phụ thuộc nhiều vào thời tiết vì phải mang đi phơi nắng, nhưng chị Hoan đã quyết định đầu tư làm nhà màng để có thể chủ động được sản xuất. "Nhà phơi miến làm ra từ nhà màng trồng rau công nghệ cao, chi phí nhà màng chưa đến 100 triệu đồng nhưng giải quyết tốt bài toán chống bụi bẩn và côn trùng. Có người bảo rằng, phơi dưới ánh nắng mặt trời không tốn kém, nhanh khô hơn nhưng tôi thấy nhà màng hiệu quả, sẽ tạo độ nóng lớn hơn, tránh được côn trùng, bụi bặm. Thậm chí, nếu thời tiết mưa sẽ phơi miến trong nhà màng sử dụng năng lượng mặt trời, còn mưa kéo dài sẽ đưa miến vào lò sấy bằng quạt gió tự nhiên, chất lượng đồng đều", chị Hoan cho biết.
Nói về đặc điểm nổi bật của miến dong, bà chủ HTX cho biết, miến dong được làm từ 100% tinh bột củ dong riềng trồng theo mô hình hữu cơ vì vậy có đặc điểm nổi bật là sợ miến có ánh bạc tự nhiên. Khi nấu chín sợi miến sẽ không bị nát dù quá lửa và luôn dai giòn, có hương vị tự nhiên. Đặc biệt, miến dong có tính mát, giàu chất xơ, không chất béo nên tốt cho người đang giảm cân.
"Sức bật" từ OCOP
![]() |
Miến dong Tài Hoan được công nhận OCOP 5 sao quốc gia từ năm 2021 và công nhận lại năm 2024. |
Được sự quan tâm của địa phương, chị Hoan đã đưa sản phẩm tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm và năm 2019 miến dong Tài Hoan được chứng nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh. Cuối năm 2019, theo chân đoàn lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn (cũ), miến dong Tài Hoan được giới thiệu với người tiêu zdùng châu Âu và nhận được sự quan tâm của bạn hàng ở Cộng hòa Séc.
Sau đó, HTX đã gấp rút hoàn thiện quy trình sản xuất để vượt qua kiểm định, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. "Ban đầu, tôi thấy khá khó khăn vì nhiều thủ tục, quy trình. Đã có lúc tôi nản khi phải thống nhất bao bì nhưng được sự động viên, quan tâm của các cấp nên HTX đã đáp ứng các tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu. Tháng 8-2020, 5 tấn miến dong Tài Hoan lần đầu tiên được xuất khẩu sang CH Séc, sau đó thêm một vài thị trường lân cận khác", chị Hoan cho biết.
Đến nay, miến dong Tài Hoan đã có mặt tại thị trường Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc... Toàn bộ quá trình sản xuất được giám sát chặt chẽ, bao bì, nhãn mác và các chứng nhận về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm được in đầy đủ, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường nhập khẩu.
Hiện nay, chị Hoan đã có một dây chuyền sản xuất ưng ý với dàn máy móc hiện đại trị giá hàng chục tỷ đồng. Năm 2021, miến dong Tài Hoan được chứng nhận OCOP 5 sao cấp quốc gia và là sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn, sản phẩm đã có mặt ở các tỉnh thành cả nước, chuỗi 16 siêu thị Big C khu vực phía Bắc... Hiện nay, sản lượng của HTX đạt 2,5 tấn/ngày và tạo việc làm thường xuyên cho hơn 40 lao động địa phương, giúp gần 1.000 hộ dân có thu nhập từ việc trồng dong nguyên liệu. Chị Hoan cũng tích cực tham gia các hội chợ quảng bá sản phẩm, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử để nâng cao hơn giá trị dong riềng, cải thiện đời sống bà con nông dân. Năm 2022 chị Hoan vinh dự là 1 trong 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn.