Cá chạch bùn với nhiều ưu điểm như dễ nuôi, lớn nhanh, ít bệnh tật, thị trường tiêu thụ thuận lợi - Ảnh minh họa. |
Cá chạch bùn đang là đối tượng nuôi trồng thủy sản đầy tiềm năng tại các huyện Nghĩa Hưng, Giao Thủy (Nam Định) với nhiều ưu điểm như dễ nuôi, lớn nhanh, ít bệnh tật, thị trường tiêu thụ thuận lợi. Tuy nhiên, người nuôi vẫn gặp khó khăn do chất lượng con giống, tỷ lệ hao hụt cao trong quá trình nuôi và ô nhiễm môi trường ao nuôi.
Nhằm giải quyết những khó khăn này, Trung tâm Giống thủy hải sản tỉnh Nam Định đã thực hiện đề tài khoa học "Nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật ứng dụng chế phẩm vi sinh trong sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá chạch bùn".
Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc ứng dụng chế phẩm vi sinh trong các giai đoạn sinh sản nhân tạo, ương nuôi và nuôi thương phẩm cá chạch bùn mang lại hiệu quả rõ rệt. Cụ thể, tỷ lệ trứng nở, tỷ lệ sống của cá bột và cá giống tăng cao, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường ao nuôi.
Trong các thí nghiệm ương cá bột lên cá giống, nghiệm thức sử dụng chế phẩm vi sinh cho tỷ lệ sống cao gấp 2 lần so với ao đối chứng. Ở giai đoạn nuôi thương phẩm, các ao nuôi ứng dụng vi sinh đạt tỷ lệ sống bình quân 69%, thu lãi 50,8 triệu đồng/ao 2.500m2, cao hơn đối chứng 45%.
Việc sử dụng chế phẩm vi sinh đã xử lý đáy ao ô nhiễm, tăng chuyển hóa, phát triển thức ăn tự nhiên thông qua hệ vi sinh vật phong phú, có ảnh hưởng lớn đến mức độ thành thục của cá bố mẹ và tỷ lệ sống của cá bột sau khi nở, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với phương pháp sinh sản truyền thống.
Đề tài đã hoàn thiện 3 quy trình kỹ thuật sản xuất giống cá bột, ương giống cá bột lên cá giống và nuôi thương phẩm, góp phần giảm tối đa chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm; nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng và hiệu quả kinh tế cho người nuôi.
Kết quả nghiên cứu đã được phổ biến đến người dân nuôi thủy sản trong tỉnh. Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này trên toàn tỉnh, xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất giống đến tiêu thụ sản phẩm, hướng tới nuôi trồng thủy sản bền vững và xuất khẩu.
Ứng dụng vi sinh trong nuôi cá chạch bùn không chỉ mở ra hướng đi mới cho ngành nuôi trồng thủy sản Nam Định, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị sản phẩm và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.