“Bánh khảo Thanh Quyên” sản phẩm đạt OCOP 3 sao của cơ sở sản xuất Hoàng Thị Phượng, xóm phố Thông Huề, xã Đoài Dương, huyện Trùng Khánh hằng năm doanh thu tăng gấp 2 lần so với trước khi chưa tham gia Chương trình OCOP. Ảnh Quốc Sơn. |
Sau 5 năm thực hiện chương trình OCOP đến nay, huyện Trùng Khánh có 13 sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó có 12 sản phẩm OCOP 3 sao, 1 sản phẩm OCOP 4 sao. Hiện có 10 sản phẩm OCOP còn hiệu lực, với 1 chủ thể công ty, 1 chủ thể hợp tác xã, 7 chủ thể hộ kinh doanh. Các sản phẩm được công nhận OCOP tập trung vào nhóm các sản phẩm đặc thù thế mạnh và dịch vụ, du lịch tiêu biểu của huyện như: Nếp ong Trùng Khánh, vịt cỏ Trùng Khánh, lạp xưởng Toàn Giang, rượu Ngô Thiên Sơn, miến dong Minh Khôi, tương Mẹc Cảng, bánh khảo Thanh Quyên, bánh khảo cô Hải, du lịch cộng đồng.
Để thực hiện Chương trình OCOP đạt hiệu quả, ngay từ những năm đầu triển khai, huyện Trùng Khánh tập trung chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn căn cứ chức năng, nhiệm vụ tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP được huyện ban hành. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng hệ thống quản lý, điều hành Chương trình OCOP từ cấp huyện đến cấp xã, bổ sung vào thực hiện nhiệm vụ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Huyện phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Cao Bằng tập huấn cho các hộ sản xuất kinh doanh, HTX, các chủ thể đã được cấp chứng nhận OCOP, các chủ thể đăng ký tham gia OCOP, nhằm giới thiệu, nâng cao nhận thức, kiến thức về Chương trình OCOP, hướng dẫn xây dựng phương án kinh doanh, chiến lược phát triển sản xuất và cách thức đăng ký tham gia chương trình.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trùng Khánh Hà Minh Hải,Chương trình OCOP được triển khai tạo điều kiện cho địa phương sản xuất nhiều hàng hóa chất lượng cao mang tính đặc trưng, lợi thế của vùng, góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Trên cơ sở khảo sát, đăng ký tham gia Chương trình, các tổ chức kinh tế, cá nhân đã được hỗ trợ phát triển sản phẩm mới, nâng cấp sản phẩm đã có, tư vấn phát triển sản phẩm để hoàn thiện về quy trình sản xuất, quản lý chất lượng, hoàn thiện nhãn mác, bao bì, hình thức sản phẩm, gia tăng giá trị thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh, tiếp cận thị trường.
Bà Hoàng Thị Phượng, chủ cơ sở sản xuất bánh khảo Thanh Quyên, xóm phố Thông Huề, xã Đoài Dương, huyện Trùng Khánh cho biết, bánh khảo của cơ sở sản xuất hoàn toàn bằng thủ công truyền thống, nguyên liệu làm bánh từ bột nếp rang, nhân làm bằng lạc, thịt mỡ lợn đen trộn đường phên. Năm 2023, bánh khảo của cơ sở được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, cơ sở sản xuất không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến bao bì, mẫu mã, có nhãn mác thông tin sản phẩm. Được huyện tạo thuận lợi cho tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại trong, ngoài tỉnh, cơ sở có cơ hội quảng bá, giới thiệu, bán sản phẩm nên thị trường tiêu thụ được mở rộng, được nhiều khách hàng biết đến “Bánh khảo Thanh Quyên”.
“Hàng năm, cơ sở sản xuất, tiêu thụ hơn 70.000 phong bánh khảo, doanh thu tăng gấp 2 lần so với trước khi cơ sở chưa tham gia Chương trình OCOP. Hiện, cơ sở tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động địa phương, thu nhập của người lao động tăng từ 5 triệu đồng lên 7,5 triệu đồng/tháng”. Bà Hoàng Thị Phượng cho biết thêm.
Sản phẩm “Miến dong Minh Khôi Trà Lĩnh” của Hợp tác xã Nông nghiệp Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh đạt OCOP 3 sao, được Chứng nhận tiêu chuẩn HACCP tiêu chuẩn quốc tế về quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng năm tiêu thụ hơn 40 tấn miến sản phẩm. Ảnh Quốc Sơn. |
Sản phẩm OCOP được đánh giá chất lượng qua số sao nhận được, vì thế nhiều cơ sở sản xuất, hợp tác xã sau khi có sản phẩm được công nhận OCOP, được huyện hỗ trợ đã chủ động đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến, áp dụng tiêu chuẩn khoa học kỹ thuật vào sản xuất tạo ra sản phẩm gia tăng giá trị thương hiệu và chất lượng.
Hợp tác xã Nông nghiệp Trà Lĩnh, xóm Sơn Lộ, xã Cao Chương, huyện Trùng Khánh thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất, chú trọng đầu tư dây chuyền máy móc, thực hiện nghiêm ngặt khâu chọn lựa nguyên liệu và quy trình sản xuất, tạo ra sản phẩm thương hiệu “Miến dong Minh Khôi Trà Lĩnh” đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Trà Lĩnh Chu Đại Chiến, năm 2023, sản phẩm “Miến dong Minh Khôi Trà Lĩnh” của Hợp tác xã đạt OCOP 3 sao và được Chứng nhận tiêu chuẩn HACCP (phù hợp tiêu chuẩn TCVN 5603-2023) tiêu chuẩn quốc tế về quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, đây là cơ hội để Hợp tác xã đưa sản phẩm ra thị trường lớn. Sản phẩm được đóng bao bì có tem sản phẩm OCOP, tem QRCode thông tin chi tiết sản phẩm. Cùng với việc tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại giới thiệu, quảng bá, bán sản phẩm, sản phẩm “Miến dong Minh Khôi Trà Lĩnh” được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh đón nhận. Thị trường tiêu thụ được mở rộng ra một số tỉnh phía nam, được Công ty Thực phẩm sạch Hà Nội hợp đồng thu mua để phân phối đến một số siêu thị tại Hà Nội. Tham gia Chương trình OCOP, sản lượng tiêu thụ sản phẩm miến dong của Hợp tác xã tăng lên hơn 40 tấn miến/năm.
Những năm qua thực hiện Chương trình OCOP, huyện Trùng Khánh đạt được kết quả quan trọng, góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân, hợp tác xã, từng bước chuyển đổi từ quy mô nhỏ sang sản xuất hàng hóa theo hướng liên kết chuỗi giá trị. Góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, tạo nguồn lực phát triển kinh tế nông thôn.
Để đẩy mạnh Chương trình OCOP phát triển bền vững, nhằm định vị giá trị thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trùng Khánh Hà Minh Hải, huyện Trùng Khánh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về tầm quan trọng, ý nghĩa của Chương trình OCOP. Trọng tâm tập trung vào phát triển các sản phẩm có thương hiệu theo chuỗi giá trị, chỉ đạo các xã lựa chọn, xác định sản phẩm, nhóm sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng có lợi thế tham gia Chương trình. Duy trì, quản lý chất lượng sản phẩm của hợp tác xã, cơ sở sản xuất có sản phẩm đạt OCOP. Huyện tiếp tục hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm đạt OCOP xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu, kết nối cung cầu, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời khơi dây, phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo của các chủ thể nhằm gia tăng giá trị, chất lượng sản phẩm để thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP.