Người dân huyện Mai Sơn trồng, chăm sóc thanh long ruột đỏ theo mô hình hữu cơ. Ảnh minh họa. |
Toàn huyện Mai Sơn hiện có hơn 300 ha thanh long ruột đỏ, trong đó có 240 ha đã cho thu hoạch, sản lượng trung bình đạt gần 2.600 tấn quả/năm, được trồng tập trung ở các xã: Chiềng Mung, Chiềng Ban, Nà Bó.
Từ hàng chục năm nay, cây thanh long ruột đỏ được trồng ở Mai Sơn, do hợp khí hậu, quả to, đẹp mang lại năng suất cao, được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Chính vì vậy, nhân dân các xã đã tăng cường đầu tư, chăm sóc theo hướng VietGAP, hữu cơ để cây cho năng suất, chất lượng cao hơn đáp ứng nhu cầu của thị trường cũng như tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con nông dân.
Diện tích cây thanh long tập trung nhiều nhất tại xã Chiềng Sung, Nà Bó, Cò Nòi, Hát Lót và xã Chiềng Mung và một số vùng lân cận.
Chỉ tính riêng tại xã Chiềng Mung hiện có gần 50 ha thanh long, sản lượng đạt gần 700 tấn quả/năm. Thanh long thường cho hoạch từ tháng 4 đến tháng 10 âm lịch. Giá bán tăng cao vào giáp tết, nên nhiều hộ dân đã nghiên cứu áp dụng kỹ thuật để chuyển sang trồng trái vụ.
Bên cạnh đó, Nà Bó là xã có diện tích liên kết sản xuất và tiêu thụ thanh long nhiều nhất huyện Mai Sơn, với gần 200ha. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, nên năng suất đạt từ 20-30 tấn/ha/năm.
Đến thời điểm này, quả thanh long đã bắt đầu chín đỏ, quả có trọng lượng từ 0,6 kg - 0,8 kg. Cứ 1 ha thanh long chính vụ cho thu hoạch 45-50 tấn quả/năm, trung bình 20.000 đồng/kg thì doanh thu đạt gần 1 tỷ đồng/ha. Diện tích trái vụ có giá cao hơn từ 28.000 đồng - 30.000 đồng/kg, với 5.000 m2 thanh long dự kiến sẽ cho thu hoạch 5 tấn quả đúng dịp Tết, thu nhập khoảng 150 triệu đồng.
Hiện nay, nhiều thương lái trong và ngoài tỉnh đang tấp nập chuẩn bị thu hái thanh long ruột đỏ đã được đặt từ trước, sẵn sàng phục vụ khách hàng dịp Tết nguyên đán.
Cây thanh long ruột đỏ đang là một trong những cây trồng phát triển theo hướng bền vững, không chỉ tạo việc làm, đem lại thu nhập cao cho người nông dân mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.