Từ đầu năm 2024 đến nay, Bến Tre đã duy trì việc nhân nuôi ong ký sinh kiểm soát sâu đầu đen tại 9 điểm trên địa bàn tỉnh - Ảnh minh họa. |
Từ đầu năm 2024 đến nay, Bến Tre đã duy trì việc nhân nuôi ong ký sinh kiểm soát sâu đầu đen tại 9 điểm trên địa bàn tỉnh. Hơn 199 triệu con ong ký sinh đã được phóng thích ra các vườn dừa. Biện pháp này giúp kiểm soát hiệu quả sự lây lan của sâu đầu đen, diện tích vườn dừa nhiễm sâu phát sinh mới không tăng, đồng thời diện tích phục hồi ngày càng mở rộng.
Tuy nhiên, ngành nông nghiệp tỉnh vẫn khuyến cáo người dân không chủ quan, cần tiếp tục theo dõi và áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp. Đặc biệt, trong thời điểm chuyển mùa, khi mùa mưa kết thúc và bước vào mùa khô, sâu đầu đen có điều kiện sinh trưởng, phát triển mạnh, người dân cần tăng cường kiểm tra vườn dừa, phát hiện sớm và xử lý kịp thời.
Đối với những vườn dừa đã phục hồi, cần tiếp tục theo dõi và thả ong ký sinh để duy trì hiệu quả kiểm soát sâu đầu đen bằng biện pháp sinh học. Các vườn dừa đã áp dụng biện pháp sinh học cần hạn chế phun thuốc trừ sâu để tránh diệt các loại thiên địch, gây bộc phát sâu đầu đen trở lại.
Hiện nay, tổng diện tích vườn dừa nhiễm sâu đầu đen trên địa bàn tỉnh Bến Tre là hơn 543 ha, giảm đáng kể so với con số hơn 882 ha vào đầu năm 2024. Diện tích phục hồi từ đầu năm đến nay đã đạt hơn 338 ha.
Bến Tre là tỉnh có diện tích trồng dừa lớn nhất cả nước, với hơn 80.000 ha. Sâu đầu đen là đối tượng sâu hại nghiêm trọng trên cây dừa, gây thiệt hại lớn đến năng suất và sản lượng. Vì vậy, tỉnh Bến Tre đã và đang tập trung chỉ đạo các ngành chức năng nghiên cứu, ứng dụng các biện pháp phòng trừ hiệu quả, trong đó biện pháp nhân nuôi và phóng thích ong ký sinh được xem là giải pháp then chốt, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ cây dừa, duy trì và phát triển kinh tế địa phương.