Tăng trưởng xanh được coi là nội dung quan trọng của phát triển bền vững. Ảnh minh họa. |
Giảm phát thải, xanh hóa các ngành kinh tế
Phát triển bền vững đã, đang trở thành mục tiêu chung của hầu hết các quốc gia trên thế giới và là xu hướng toàn cầu hướng tới sự phát triển có thể đáp ứng được nhu cầu hiện tại mà không làm ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ trong tương lai.
Trong đó, tăng trưởng xanh được coi là nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đòi hỏi sự tăng trưởng phải đảm bảo dung hòa cả 3 lĩnh vực chính: Kinh tế - xã hội - môi trường, giải quyết một cách đồng thời, hài hòa các vấn đề về môi trường và phát triển.
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là quyết sách lớn để hiện thực hóa mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; xanh hóa các ngành kinh tế...
Trên quan điểm đó, mục tiêu tổng quát của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn tập trung thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Chiến lược đặt mục tiêu nhằm giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; phấn đấu đến năm 2030, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 15% so với năm 2014. Mục tiêu đến năm 2050, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 30% so với năm 2014.
Đồng thời, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Sống xanh cho Trái đất xanh
Những tác động tiêu cực cộng thêm việc khai thác triệt để nguồn tài nguyên thiên nhiên, con người đã và đang dần biến môi trường từ một mảng xanh mát trở lên u ám. Trước tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của môi trường như hiện nay, nhân loại cần phải hành động lập tức, bắt đầu từ những điều cơ bản nhất.
Chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế. Ảnh minh họa. |
Sống xanh chính là chìa khóa cho vấn đề này. Sống xanh là tuy không mới nhưng có lẽ với nhiều người, nó cũng còn khá lạ lẫm và mơ hồ. Sống xanh giúp giảm thiểu sử dụng không khoa học nguồn tài nguyên của Trái đất, không hy sinh hay ảnh hưởng tiêu cực đến thế hệ mai sau nhưng vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu hiện tại.
Điều này, cũng được khẳng định rõ trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 với mục tiêu xây dựng lối sống xanh kết hợp với nếp sống đẹp truyền thống để tạo nên đời sống chất lượng cao hòa hợp với thiên nhiên. Thực hiện đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới bảo đảm các mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững; tạo lập văn hóa tiêu dùng bền vững trong bối cảnh hội nhập với thế giới.
Theo đó, mục tiêu chủ yếu đến năm 2030, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định đạt 95%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp so với lượng chất thải được thu gom chiếm 10%; tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định lần lượt đạt trên 50% đối với đô thị loại II trở lên và 20% đối với các loại đô thị còn lại.
Đồng thời, tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại các đô thị đặc biệt, đô thị loại I lần lượt đạt ít nhất 20% và 5%; tỷ lệ xe buýt sử dụng năng lượng sạch tại các đô thị đặc biệt đạt ít nhất 15% so với tổng số xe buýt đang hoạt động và tại đô thị loại I đạt 10% số lượng xe buýt mới; tỷ lệ mua sắm công xanh trong tổng mua sắm công đạt ít nhất 35%; ít nhất 10 đô thị phê duyệt và thực hiện Đề án tổng thể về phát triển đô thị tăng trưởng xanh theo hướng đô thị thông minh bền vững.
Chiến lược cũng đặt mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống và khả năng chống chịu của người dân với biến đổi khí hậu, bảo đảm bình đẳng về điều kiện, cơ hội phát huy năng lực và thụ hưởng thành quả của sự phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi xanh.