Toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có gần 1.000 trang trại trồng trọt, chăn nuôi, trong đó 314 trang trại đã được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại - Ảnh minh họa. |
Vĩnh Phúc đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Toàn tỉnh hiện có gần 1.000 trang trại trồng trọt, chăn nuôi, trong đó 314 trang trại đã được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Đây là nền tảng quan trọng để ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp.
Thực hiện Đề án Chuyển đổi số ngành Nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2022-2025, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực. Các chương trình tập huấn, đào tạo về ứng dụng công nghệ số, kỹ năng quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội được tổ chức thường xuyên, giúp nâng cao nhận thức và kỹ năng cho nông dân. Sở cũng hỗ trợ xây dựng các vùng sản xuất an toàn, hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, tạo điều kiện cho nông sản tiếp cận thị trường.
Những nỗ lực này đã mang lại kết quả tích cực. Hơn 90% hộ chăn nuôi trang trại đã ứng dụng công nghệ số. Gần 20% hợp tác xã nông nghiệp tham gia thương mại điện tử và ứng dụng nông nghiệp thông minh. Hơn 20% hộ sản xuất nông nghiệp sử dụng thương mại điện tử.
Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ số hiệu quả đã xuất hiện. Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại Phát Đạt áp dụng mô hình chăn nuôi khép kín, kết hợp hệ thống camera giám sát, phần mềm kiểm soát môi trường, phòng ngừa dịch bệnh tại trang trại lợn ở thành phố Phúc Yên. Mô hình nuôi gà quy mô lớn của gia đình bà Nguyễn Thị Thêu ở huyện Tam Dương cũng ứng dụng công nghệ hiện đại vào quy trình ấp nở và chăn nuôi.
Chuyển đổi số đang góp phần thay đổi diện mạo nông nghiệp Vĩnh Phúc, hướng đến nền sản xuất hiện đại, hiệu quả và bền vững. Tuy nhiên, để quá trình chuyển đổi số đạt hiệu quả cao hơn, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng số cho nông dân, đồng thời hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo kết nối internet tại các vùng nông thôn.