Với hiệu quả bước đầu tại mô hình thí điểm ở một số địa phương cho thấy, chi phí về giống, vật tư nông nghiệp đầu vào đều giảm 30%; giá lúa và thu nhập của nông dân đều tăng lên, sản lượng lúa đều được các doanh nghiệp bao tiêu - Ảnh minh họa. |
Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các bộ, ngành cùng các tỉnh và chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, Viện lúa gạo Quốc tế (IRRI) xây dựng hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định phát thải (MRV) phù hợp với các quy chuẩn quốc tế. Để có cơ sở mở rộng ra toàn bộ diện tích của đề án từ năm 2025, Bộ NN&PTNT đang áp dụng thí điểm hệ thống này cho các mô hình điểm của đề án.
Dự kiến, sau khi có kết quả giảm phát thải từ các mô hình thí điểm tại 5 tỉnh (sau vụ Đông Xuân năm 2024-2025), hệ thống MRV sẽ được áp dụng cho toàn bộ diện tích của đề án làm cơ sở xác định hệ số phát thải và kết quả giảm phát thải. Trên cơ sở đó, Bộ NN&PTNT sẽ trình xin Chính phủ cơ chế thí điểm chi trả tín chỉ carbon dựa trên kết quả giảm phát thải cho vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp và tiếp đó là cơ chế thí điểm trao đổi tín chỉ carbon trên thị trường đối với ngành hàng lúa gạo.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đã họp với Đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới (WB) về các bước chuẩn bị ký Thỏa thuận chi trả giảm phát thải (ERPA) với Quỹ Tài chính carbon chuyển đổi (TCAF) hỗ trợ thực hiện Đề án. Với hiệu quả bước đầu tại mô hình thí điểm ở một số địa phương cho thấy, chi phí về giống, vật tư nông nghiệp đầu vào đều giảm 30%; giá lúa và thu nhập của nông dân đều tăng lên, sản lượng lúa đều được các doanh nghiệp bao tiêu.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, nhiều khu vực, người dân đã tự nguyện tham gia vào chương trình sau khi thấy được hiệu quả của đề án. Với vụ sản xuất thí điểm vừa qua, giá lúa, thu nhập của người dân tăng đều. Nhiều doanh nghiệp đã tới đăng ký thu mua lúa được sản xuất giảm phát thải. Trong vụ Đông Xuân và Hè Thu sắp tới, Bộ NN&PTNT sẽ đưa ra được hệ số giảm phát thải carbon trong sản xuất lúa.
"Tạo cuộc cách mạng cho cây lúa" |
Việt Nam là quốc gia đầu tiên thực hiện sản xuất lúa giảm phát thải trên quy mô lớn |
Mở rộng diện tích, tiến tới đo được hệ số phát thải carbon trên cây lúa |
Ông Li Guo, chuyên gia cao cấp Ngân hàng Thế giới, đại diện Đoàn công tác cho biết, Quỹ Tài chính carbon chuyển đổi (TCAF) phê duyệt tổng kinh phí là 33,3 triệu USD (số tiền này có thể tăng lên đến 40 triệu USD), sẽ được chi trả dựa trên kết quả và theo 2 giai đoạn. Cam kết tài trợ khoản kinh phí này của Quỹ TCAF sẽ có hiệu lực trong 12 tháng và Ngân hàng Thế giới dự kiến sẽ phê duyệt tài trợ bằng việc ký Thoả thuận chi trả giảm phát thải (ERPA).
Ngoài ra, Quỹ TCAF sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật trị giá 2 triệu USD (do Ngân hàng Thế giới trực tiếp quản lý) để thực hiện các hoạt động tăng cường năng lực giúp thực hiện Điều 6 Thỏa thuận Paris và các đề nghị khác.
Ông Li Guo cũng cho biết, chương trình hợp tác giữa Ngân hàng Thế giới với Bộ NN&PTNT trong triển khai đề án không chỉ hỗ trợ Việt Nam về mặt tài chính mà còn hỗ trợ cả về mặt kỹ thuật. Đề án khi thành công sẽ trở thành nơi trình diễn cho toàn cầu về phương thức canh tác mới này.