![]() |
Thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An mỗi năm trồng từ 3 – 5 ha ớt xuất khẩu, năng suất bình quân đạt 22 tấn/ha. |
Xã Lũng Nặm huyện Hà Quảng, cách trung tâm huyện gần 20 km, nơi đây là một trong những vùng núi đá vôi, đất khô cằn, người dân chỉ canh tác chủ yếu cây ngô, cây lạc thu nhập bấp bênh. Từ khi tham gia mô hình trồng ớt xuất khẩu, bà con không chỉ có thêm thu nhập mà còn được tiếp cận kỹ thuật canh tác tiên tiến theo quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Ông Phùng Văn Bằng, một trong những hộ đầu tiên tham gia mô hình trồng ớt ở xã Lũng Nặm chia sẻ, lúc đầu gia đình chưa tin cây ớt lại có thể giúp dân mình đổi đời như vậy. Nhưng được Công ty DACE hướng dẫn kỹ thuật từ ươm giống, chăm bón đến thu hái, tôi mới thấy cây ớt dễ trồng mà lại bán được với giá ổn định. Giờ gia đình tôi thu nhập mỗi năm cả chục triệu đồng từ trồng ớt, hơn hẳn trồng ngô.
Theo Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Hà Quảng, năm 2024, huyện có gần 60 ha trồng ớt liên kết với Công ty DACE, tập trung tại các xã: Lũng Nặm, Nội Thôn, Cải Viên, Tổng Cọt..., sản lượng đạt gần 500 tấn ớt quả tươi mỗi năm. Với giá bán ổn định từ 19.000 - 20.000 đồng/kg ớt quả tươi, nhiều hộ dân thu nhập từ 30 – 40 triệu đồng/năm chỉ từ vài sào đất. Theo ông Dương Văn Thọ, Chủ tịch UBND xã Lũng Nặm, vụ mùa năm nay, xã Lũng Nặm tiếp tục hợp đồng với Công ty DACE trồng 50 ha cây ớt, tăng gấp đôi năm trước, nhưng do khô hạn hiện mới trồng được 13 ha. Sau những cơn mưa gần đây, người dân đang khẩn trương gieo trồng số diện tích còn lại. Điển hình như hộ Hoàng Văn Cò, Đặng Văn Khái là những hộ trồng từ 2.500 – 3.000 m2, gấp 4 lần so với năm ngoái.
Không chỉ dừng lại ở thu nhập, trồng ớt còn giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu. Giống ớt chỉ thiên chịu hạn tốt, ít sâu bệnh, dễ chăm sóc và phù hợp với khí hậu vùng cao. Đặc biệt, sản phẩm ớt được thu mua để xuất khẩu, nên quá trình sản xuất phải đảm bảo các tiêu chí an toàn thực phẩm, từ đó nâng cao ý thức và trình độ canh tác của người nông dân.
Với phương châm "liên kết 4 nhà": Nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp, Công ty DACE không chỉ cung cấp giống, phân bón hữu cơ, hướng dẫn kỹ thuật mà còn ký cam kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Ông Ngô Văn Kim, đại diện Công ty DACE tại Cao Bằng cho biết, chúng tôi phối hợp với chính quyền địa phương ưu tiên lựa chọn các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để triển khai mô hình, với mục tiêu giúp người dân có thu nhập bền vững từ cây trồng bản địa. Cây ớt cay là loại cây gia vị có giá trị cao, lại phù hợp khí hậu vùng núi cao nên rất tiềm năng.
Tại thị trấn Nước Hai (Hòa An), với hơn 5 ha ớt đã bắt đầu cho thu hoạch, bà Đàm Thị Thiêm xóm Nà Tẻng, hộ trồng ớt tiêu biểu cho biết, gia đình đã trồng 2 vụ ớt, mỗi năm trồng hơn 1.000 m2, thu nhập ổn định từ 25 – 30 triệu đồng. "Công ty hướng dẫn tỉ mỉ, cung ứng giống, hỗ trợ đầu ra nên người trồng yên tâm sản xuất. Nếu thời tiết thuận lợi sang năm tôi sẽ mở rộng thêm diện tích vì thấy ớt thực sự là cây làm kinh tế tốt”. Bà Thiêm chia sẻ.
Từ mô hình ban đầu chỉ vài ha, toàn tỉnh Cao Bằng đến nay đã trồng gần 100 ha trồng ớt hữu cơ theo chuỗi liên kết sản xuất với Công ty DACE. Trong đó, huyện Hà Quảng chiếm gần 60% tổng diện tích. Từ kinh nghiệm trồng ớt, một số tổ hợp tác cũng đã hình thành, từng bước tạo chuỗi sản xuất – tiêu thụ – xuất khẩu bền vững.
![]() |
Xã Lũng Nặm, huyện Hà Quảng vụ mùa năm 2025 phấn đấu trồng 50 ha ớt, tăng gấp đôi năm 2024. |
Theo nhận định của ông Trần Văn Hiếu, Công ty DACE, trồng ớt không đơn thuần là chuyển đổi cây trồng mà còn là bước thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp. Nông dân không còn canh tác theo kiểu truyền thống, mà đã biết áp dụng quy trình hữu cơ, sử dụng phân vi sinh, hạn chế hóa chất độc hại. “Giống ớt chỉ thiên dễ trồng, có thể thu hoạch trong thời gian ngắn, nhưng mang lại giá trị kinh tế cao. Năng suất bình quân ước đạt 20 - 25 tấn/ha, doanh thu trên 360 triệu đồng/ha/vụ”. Ông Hiếu khẳng định.
Tại xóm Cả Tiểng, xã Nội Thôn, huyện Hà Quảng là nơi trồng ớt đầu tiên của các xã vùng cao của Hà Quảng, từ vài nghìn m2 đất trồng ớt ban đầu, năm 2024, cả xã trồng 4,5 ha. Tuy nhiên do thời tiết khô hạn kéo dài gần 4 tháng qua, khiến vụ ớt năm 2025 triển khai muộn. Theo đánh giá của ông Dương Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Nội Thôn, mô hình liên kết sản xuất ớt hữu cơ với Công ty DACE là hướng đi tiềm năng trong phát triển kinh tế, nâng cao giá trị nông sản và tăng thu nhập cho người dân. Thời gian tới, xã tiếp tục chỉ đạo nhân rộng mô hình ra các thôn có điều kiện phù hợp trồng cây ớt.
Hiệu quả đáng ghi nhận trong việc liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất cây ớt, là chính quyền các địa phương đã cam kết đồng hành, hỗ trợ nông dân từ khâu xây dựng mô hình, hướng dẫn kỹ thuật, đến hỗ trợ vay vốn qua kênh ngân hàng chính sách hoặc các nguồn quỹ phát triển sản xuất.
Từ vùng đất từng chỉ canh tác cây ngô, cây lạc truyền thống, năng suất thấp, nông dân các xã vùng cao Hà Quảng đã chuyển sang trồng cây ớt cay chỉ thiên, cho hiệu quả kinh tế cao. Sự vào cuộc đồng bộ của doanh nghiệp, chính quyền và người dân là yếu tố then chốt giúp mô hình trồng ớt xuất khẩu phát huy hiệu quả. Trong hành trình phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với xuất khẩu, cây ớt đang mở ra triển vọng mới cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá theo mô hình hữu cơ bền vững ở Cao Bằng.