Tôn sư trọng đạo là truyền thống văn hóa Việt - Ảnh minh họa. |
Ngày Nhà giáo thế giới là ngày lễ quốc tế do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc đề xướng năm 1994, được tổ chức hàng năm vào ngày 5 tháng 10, dành để thu hút sự chú ý của xã hội đến tình trạng của các nhà giáo, vai trò của họ trong việc hình thành và phát triển xã hội, đồng thời huy động sự hỗ trợ cho các giáo viên và để đảm bảo rằng các nhu cầu của các thế hệ tương lai sẽ tiếp tục được các giáo viên đáp ứng. Ngày 5 tháng 10 năm 1966 Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc và Tổ chức Lao động Quốc tế đã triệu tập một Hội nghị liên chính phủ tại Paris, thông qua một "Khuyến nghị về cương vị các giáo viên" (Recommendation concerning the Status of Teachers - tài liệu quốc tế đầu tiên xác định các điều kiện làm việc của giáo viên.
Theo UNESCO, Ngày Nhà giáo thế giới thể hiện một bằng chứng quan trọng về nhận thức, sự cảm thông và việc đánh giá cao sự đóng góp quan trọng mà các giáo viên thực hiện cho việc giáo dục và sự phát triển xã hội. Liên đoàn Quốc tế Giáo dục (Liên đoàn quốc tế các nghiệp đoàn nhà giáo, tiếng Anh: EI, Education International) tin tưởng mãnh liệt rằng Ngày Nhà giáo thế giới sẽ được quốc tế công nhận và cử hành trên khắp thế giới. Tổ chức này cũng tin rằng các nguyên tắc của khuyến nghị năm 1966 và những khuyến nghị năm 1997 cần được xem xét để thực hiện trong mọi quốc gia.
Hơn 100 quốc gia cử hành Ngày Nhà giáo thế giới. Các nỗ lực của Liên đoàn Quốc tế Giáo dục và 401 tổ chức thành viên của Liên đoàn đã góp phần vào sự công nhận rộng rãi này. Hàng năm, Liên đoàn phát động một chiến dịch nâng cao nhận thức của công chúng để làm nổi bật những đóng góp của nghề giảng dạy. Dạy học là một nghề cao quý và đóng vai trò then chốt đưa nhân loại tiến bộ. Hàng năm, nhiều nước trên thế giới kỷ niệm ngày hiến chương nhà giáo để tôn vinh những con người đã ngày đêm miệt mài bên giáo án vì sự nghiệp đào tạo. Mỗi quốc gia tổ chức kỷ niệm theo những sắc thái khác nhau, tùy thuộc vào lịch sử và nền văn hóa đặc trưng.
Theo UNESCO, ngày nhà giáo quốc tế vinh danh các tổ chức giáo viên trên toàn thế giới. Nó được tổ chức hàng năm vào ngày mồng 5 tháng 10 kể từ năm 1994, hơn 100 quốc gia trên thế giới kỷ niệm ngày này. Mục đích của ngày hiến chương là động viên sự ủng hộ của cộng đồng đối với giáo viên toàn cầu đồng thời đảm bảo nhu cầu giáo dục của các thế hệ tương lai tiếp tục được thỏa mãn. Hiện nay, trên thế giới ước tính có khoảng 60 triệu giáo viên. Nhưng cũng theo tổ chức quốc tế Oxfam thì hiện tại trên thế giới có khoảng 115 triệu trẻ em không được đến trường, chúng không được đón nhận những quyền lợi cơ bản nhất của con người.
Mỗi khi tỉnh giấc đón nhận ánh bình minh của buổi sớm, chúng không hy vọng được thừa hưởng những lợi ích tối thiểu của một nền giáo dục có thể mang lại. Những đứa trẻ này có thể biết về AIDS, sự đói nghèo, bệnh tật và cả những công việc nặng nhọc mà trong tiềm thức không bao giờ biết được người giáo viên có nghĩa là gì? Tổ chức này đang nỗ lực hết mình vận động các chính phủ, các công ty và tổ chức quyên góp tiền vì mục tiêu “giáo dục đến với mọi người”. Để những đứa trẻ ở tất cả các nước nghèo có thể tiếp cận một nền giáo dục toàn cầu thì chúng ta cần khoảng hơn 15 triệu giáo viên. Tổ chức giáo dục quốc tế (EI) có một niềm tin vững chắc rằng, ngày nhà giáo được cộng đồng quốc tế thừa nhận và kỷ niệm rộng rãi trên toàn thế giới. Những cố gắng của tổ chức giáo dục quốc tế và hơn 348 tổ chức thành viên của nó đã góp phần quan trọng cho sự công nhận rộng rãi này.
Ở Việt Nam, lần đầu tiên ngày "Quốc tế hiến chương các nhà giáo" được tổ chức trên toàn miền Bắc vào ngày 20/11/1958. Ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ra Quyết định 167-HĐBT lấy ngày 20/11 là Ngày nhà giáo Việt Nam. Và ngày 20/ 11/ 1982, lần đầu tiên, Ngày nhà giáo Việt Nam được tổ chức trọng thể tại Hội trường Ba Đình (Hà Nội). Như vậy, ngày 20/11 hàng năm, giáo giới tiến bộ thế giới vẫn kỉ niệm ngày mang tên "Quốc tế hiến chương các nhà giáo". Còn ở nước ta, kể từ ngày 20/11/1982, ngày hội của giáo giới Việt Nam có tên gọi riêng là Ngày nhà giáo Việt Nam và ngày này cũng là ngày hội của toàn dân.
Ngày 20/11 là dịp để các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những người thầy, để mọi ngành, mọi nghề và toàn xã hội chia sẻ niềm vui, tri ân với những người đã góp bao công sức và tâm huyết cho sự nghiệp trồng người cao cả, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Để gửi lời tri ân sâu sắc tới tất cả các nhà giáo trên mọi miền Tổ quốc, xin trích dẫn câu danh ngôn: “Không có một vĩ nhân nào, một anh hùng nào trên đời này lại không qua bàn tay bế ẵm của người mẹ, thì trên trái đất này cũng không có một vĩ nhân, một anh hùng nào lại không qua bàn tay dìu dắt và sự dạy dỗ của người thầy giáo”./.