![]() |
Đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung. (Ảnh minh họa) |
Chìa khóa phát triển nông nghiệp bền vững
KH&CN ngày càng có vị trí vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân nói riêng. Để sớm hiện thực hóa mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô theo hướng hiện đại, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh, đem lại giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững.
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường, KH&CN đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất giống cây vật nuôi với giá trị gia tăng đạt 38%.
Nhờ ứng dụng KH&CN, năng suất một số vật nuôi, cây trồng của Việt Nam đạt cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới như: Năng suất lúa cao nhất trong các nước ASEAN (gấp 1,5 lần Thái Lan), cà phê có năng suất đứng thứ 2 trên thế giới (chỉ sau Brazil), năng suất hồ tiêu đứng đầu thế giới, cao su đứng thứ 2 thế giới (chỉ sau Ấn Độ), cá tra với năng suất 500 tấn/ha cũng cao nhất thế giới...
Chia sẻ với báo chí, về định hướng phát triển KH&CN trong ngành nông nghiệp, ông Nguyễn Hữu Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, ngành nông nghiệp đang chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”.
Cụ thể là từ phạm vi sản xuất nông nghiệp sang tích hợp đa ngành dịch vụ, công nghiệp; từ đơn giá trị nông sản sang tích hợp sản phẩm đa giá trị; từ tập trung hỗ trợ người sản xuất sang hỗ trợ tất cả các tác nhân trong chuỗi giá trị.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đặt mục tiêu tăng hàm lượng tri thức và KH&CN, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp; kích hoạt các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, tuần hoàn, chuỗi giá trị, thông minh, chia sẻ.
![]() |
KH&CN đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. (Ảnh minh họa) |
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang tập trung triển khai một số chương trình trọng điểm KHCN và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp như: Phát triển công nghệ sinh học; phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, thích ứng biến đổi khí hậu; nghiên cứu phát triển và áp dụng công nghệ số và các giải pháp KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới.
Biến thách thức thành cơ hội
Trong bối cảnh hiện nay, ngành nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức từ tác động của giá vật tư đầu vào không ổn định khiến giá lương thực, thực phẩm tăng do đứt gãy chuỗi cung ứng; dịch bệnh trên người, cây trồng, vật nuôi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; sự thay đổi nhu cầu và phương thức tiêu dùng, đặc biệt là thị trường trong nước; biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, cực đoan hơn, thiên tai khó lường, hạn hán và xâm nhập mặn luôn là nguy cơ tiềm ẩn...
Đặc biệt, với nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ là rất khó khăn, là chặng đường dài nhưng hoàn toàn có thể phát triển được bằng các giải pháp của khoa học, công nghệ sinh học vì thực tế đã có những mô hình đang thực hiện và đã thành công (ví dụ: Mô hình chăn nuôi lợn thịt theo mô hình hữu cơ giữa Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Tập đoàn Quế Lâm đã ứng dụng công nghệ sinh học để xử lý nước thải, môi trường chăn nuôi).
Để biến thách thức thành cơ hội, ngành nông nghiệp đã đưa ra rất nhiều các định hướng chiến lược, chính sách và giải pháp để nông nghiệp vẫn là “trụ đỡ” của nền kinh tế, trong đó phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo luôn được coi là mũi nhọn, là chìa khoá thành công, tạo nền tảng cho phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp xanh, hữu cơ, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.
Chia sẻ về hoạt động khuyến nông, ông Lê Minh Lịnh - Phó Giám đốc Trung tâm khuyến nông Quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, thời gian qua, nhiều kết quả nghiên cứu, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới đã được chuyển giao vào sản xuất thông qua hoạt động khuyến nông. Từ đó, người nông dân được tiếp cận với các kiến thức, kỹ thuật mới, giúp họ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập và cải thiện đời sống.
Ông Lê Minh Lịnh đề xuất Bộ NN&PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) quan tâm, bố trí nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu KH&CN trong nông nghiệp, đặc biệt ưu tiên trong lĩnh vực chăn nuôi, khai thác thuỷ sản, bảo quản, chế biến nông sản.
Đối với các tổ chức nghiên cứu, quản lý KH&CN, cần công bố, cập nhật thường xuyên các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới để tuyên truyền phổ biến, chuyển giao vào sản xuất; chủ động đề xuất thí điểm các nghiên cứu mới về kỹ thuật, tổ chức quản lý phù hợp với nhu cầu thực tiễn.
Để đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, doanh nghiệp, người dân về vai trò, tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; nâng cấp, tiến tới xây dựng hạ tầng công nghệ hiện đại và đồng bộ; đẩy nhanh xây dựng hệ thống dữ liệu ngành nông nghiệp; nâng cao trình độ, năng lực tiếp cận và đưa công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp cho nông dân; xây dựng và hoàn thiện chính sách về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp phù hợp và kịp thời, tạo động lực thúc đẩy phát triển bền vững.