![]() |
Tiêm phòng vắc-xin dại cho đàn chó, mèo, |
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh dại, hạn chế vi rút lây nhiễm và gây tử vong cho người, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 425/UBND-KTTC ngày 19/02/2025 về việc tập trung tháng cao điểm kiểm soát, phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh, yêu cầu các sở, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp.
Các địa phương đã tổ chức rà soát, thống kê số hộ nuôi và số chó, mèo trên địa bàn; yêu cầu các chủ hộ nuôi thực hiện nghiêm các quy định trong việc nuôi nhốt; tổ chức đợt cao điểm tiêm phòng vắc-xin dại cho đàn chó, mèo đảm bảo tỷ lệ tối thiểu 90% tổng đàn nuôi thực tế được tiêm và thường xuyên rà soát, bổ sung tiêm phòng cho các trường hợp phát sinh; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật trong việc nuôi, quản lý chó, mèo...
Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân và hướng dẫn người dân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong việc nuôi, quản lý chó, mèo và các loại động vật khác có nguy cơ gây bệnh, nhất là tiêm vắc-xin phòng, chống bệnh dại cho chó, mèo; thực hiện đầy đủ việc tiêm và điều trị dự phòng bệnh dại khi bị động vật, đặc biệt là chó, mèo cắn. Thông tin kịp thời với chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn thú y, y tế về các trường hợp chó biểu hiện bất thường cắn người để kịp thời xử lý.
Tuy nhiên, đến nay mới có 07/13 địa phương đã tổ chức tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó mèo nuôi; tỷ lệ tiêm phòng còn thấp, cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ.
Để tập trung thực hiện tháng cao điểm phòng, chống bệnh dại, Sở Nông nghiệp và Môi trường đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, đơn vị chuyên môn quan tâm chỉ đạo thực hiện các nội dung về việc tập trung Tháng cao điểm thực hiện các biện pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh để đảm bảo an toàn cho người dân và khách du lịch đến địa phương.
![]() |
Cán bộ thú y tiêm phòng vắc-xin dại cho đàn chó, mèo. |
Đặc biệt, kịp thời cung ứng đầy đủ vắc-xin Dại phục vụ tiêm phòng cho đàn chó (mèo) thực tế của địa phương. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác tổ chức thực hiện, đảm bảo hiệu quả phòng chống bệnh Dại trên địa bàn.
Đề nghị UBND thành phố Hạ Long, Uông Bí chỉ đạo UBND cấp phường xây dựng vùng an toàn dịch bệnh Dại theo kế hoạch số 301/KH-UBND ngày 04/12/2023 của UBND tỉnh.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y kiểm tra đôn đốc các địa phương thực hiện Tháng cao điểm phòng chống bệnh Dại, xây dựng vùng ATDB dại, kịp thời tham mưu, đề xuất thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng chống bệnh Dại; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh động vật được giao theo Kế hoạch số 290/KH-UBND ngày 12/12/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phòng, chống dịch bệnh ngành Nông nghiệp tỉnh năm 2025; tổng hợp báo cáo về Sở Nông nghiệp và Môi trường theo quy định.
Năm 2024, tại Quảng Ninh dịch bệnh dại trên động vật diễn biến phức tạp, ghi nhận 10 ổ dịch tại 6/13 địa phương, mặc dù không có ca bệnh dại trên người, nhưng tăng 26,9% số người điều trị dự phòng sau phơi nhiễm với vi rút dại./.