Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: "Phát triển nông nghiệp đô thị thật sự là một động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của thành phố" - Ảnh minh họa. |
Do nhu cầu phát triển đô thị và công nghiệp - dịch vụ tăng nhanh, quỹ đất ngày càng thu hẹp, đòi hỏi ngành Nông nghiệp phải thay đổi tư duy trong sản xuất, thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trong rất nhiều giải pháp, phát triển nông nghiệp đô thị là hướng đi có tính khả thi cao để giải quyết các bất cập liên quan trong tiến trình đô thị hóa, hướng tới xây dựng đô thị sinh thái bền vững cho tương lai.
Với tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đã giải quyết mâu thuẫn này bằng xây dựng nền nông nghiệp đô thị sinh thái - hữu cơ. Ðó không phải là một mô hình, mà là sự kết hợp tổng thể các giải pháp để thích ứng: Ðầu tư công nghệ nâng cao giá trị sản xuất, tận dụng quỹ đất, tạo ra các mô hình nông nghiệp sinh thái - hữu cơ để cải tạo môi trường… và sản phẩm đáp ứng nhu cầu của chính cư dân đô thị.
Thời gian qua, Hà Nội tập trung phát triển nông nghiệp đô thị, gắn với phát triển nông nghiệp hữu cơ, các giải pháp về công nghệ, sinh thái để nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích chật hẹp, tạo không gian xanh cho đô thị, tận dụng thị trường tại chỗ, tăng thu bằng kết hợp du lịch. Ðây là chiến lược để phát triển nông nghiệp Hà Nội theo hướng bền vững.
Chia sẻ với báo chí, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, quy hoạch vùng nông nghiệp của Hà Nội cần tuân thủ tiêu chí phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng nông nghiệp đô thị-sinh thái kết hợp với phát triển du lịch và chú trọng bảo vệ môi trường, gìn giữ các vành đai xanh. Ðồng thời, phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, hàng hóa lớn, chuyên canh tập trung.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hà Nội hiện có khoảng 198.000 ha đất nông nghiệp. Tuy nhiên, diện tích này ngày càng bị thu hẹp nhanh chóng, nhất là các huyện sắp lên quận, hoặc gần với khu vực nội thành. Trong khi đó, tại nhiều huyện ngoại thành, nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế và giải quyết lao động. Dù có nhiều vấn đề đặt ra, nhưng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội có lợi thế là thị trường tiêu thụ lớn, với hơn 10 triệu dân của thành phố và khách vãng lai.
Theo đó, thời gian tới, ngành nông nghiệp TP Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông nghiệp đô thị, tập trung phát triển nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Phát triển sản xuất giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Xây dựng thành phố trở thành trung tâm sản xuất, cung ứng giống cây, con chất lượng, năng suất, giá trị cao của khu vực. Đồng thời, phát triển nông thôn mới theo hướng đô thị nông nghiệp công nghệ cao, đô thị văn minh, đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo…
Chia sẻ với báo chí, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: Phát triển nông nghiệp đô thị thật sự là một động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của thành phố.
Với phát triển nông nghiệp đô thị, Hà Nội không chỉ giải quyết được bài toán đưa công nghệ mới, công nghệ cao vào sản xuất, gia tăng sản lượng, chất lượng sản phẩm khi quỹ đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, mà còn có thể phát triển các mô hình nông nghiệp cung ứng dịch vụ cho đô thị như: Cây xanh, thực phẩm an toàn cho khách sạn, dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng… Nông nghiệp đô thị còn góp phần cải thiện môi trường sống cho cộng đồng cư dân, thúc đẩy phát triển “đô thị sinh thái”, “đô thị xanh”…”.
Hà Nội tập trung phát triển nông nghiệp đô thị, gắn với phát triển nông nghiệp hữu cơ, nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích chật hẹp, tạo không gian xanh cho đô thị, tận dụng thị trường tại chỗ, tăng thu bằng kết hợp du lịch - Ảnh minh họa. |
Xác định nông nghiệp đô thị là tất yếu trong quá trình đô thị hóa, tháng 11/2023, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 5568/QÐ-UBND phê duyệt Ðề cương “Ðề án nông nghiệp đô thị thành phố Hà Nội”. Thời gian thực hiện Ðề án là giai đoạn 2024-2026 và tầm nhìn đến năm 2030. Ðề án đặt ra mục tiêu phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng sinh thái, hiện đại, bền vững, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; phát huy vai trò của nông nghiệp đô thị trong hỗ trợ dịch vụ du lịch, bảo vệ môi trường.
Thành phố phấn đấu tăng tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái đạt hơn 70%; đáp ứng 50% nhu cầu sản phẩm nông nghiệp của thành phố; tập trung phát triển các mô hình nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch sinh thái, trải nghiệm; du lịch nông nghiệp đô thị, nông nghiệp nông thôn...
Ðề án cũng đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp để đạt được các mục tiêu nêu trên. Việc ban hành riêng một đề án về nông nghiệp đô thị cho thấy sự đổi mới mạnh mẽ về tư duy của thành phố trong phát triển nông nghiệp và được các nhà khoa học, các địa phương đánh giá cao.
Các chuyên gia cho rằng, dù trong bối cảnh nào, hiện tại cũng như tương lai, ngành nông nghiệp vẫn giữ vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Bởi, nông nghiệp là một nền kinh tế tổng hợp gồm sản xuất nông nghiệp, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, dịch vụ phục vụ nông nghiệp và là nguyên liệu đầu vào cho nhiều sản phẩm công nghiệp chế biến.
Ngoài tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lực lượng lao động, ngành nông nghiệp của thành phố còn là nơi cung cấp những mặt hàng nông, thủy sản tươi sống thiết yếu như rau, hoa, sinh vật cảnh, thịt, trứng, sữa và thủy sản cho khu vực nội thị. Quan trọng hơn, nông nghiệp của thành phố là nghiên cứu, sản xuất và cung ứng nguồn giống mới chất lượng cao, các kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, hiện đại cho các địa phương trong cả nước; tạo không gian xanh phục vụ nhu cầu tham quan, học tập, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí của người dân thành phố và khách du lịch.