![]() |
Nông sản Việt Nam xuất khẩu sang EU vẫn phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe - Ảnh minh họa. |
Liên minh châu Âu (EU) vừa chính thức từ bỏ kế hoạch cắt giảm thuốc trừ sâu gây tranh cãi. Quyết định này đánh dấu một sự thay đổi quan trọng trong chiến lược nông nghiệp của khối và điều chỉnh chính sách thuộc Thỏa thuận Xanh châu Âu (Green Deal).
Trước đó, mục tiêu giảm 50% việc sử dụng thuốc trừ sâu vào năm 2030 từng là nền tảng của chính sách nông nghiệp bền vững của EU. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị loại bỏ vô thời hạn sau nhiều tranh cãi và phản đối mạnh mẽ từ nông dân cũng như các đảng cánh hữu.
EU sẽ ưu tiên nâng cao tiêu chuẩn thương mại và đảm bảo thực phẩm nhập khẩu tuân thủ quy định về thuốc trừ sâu của khối. Một trong những sáng kiến quan trọng là Đạo luật Công nghệ Sinh học (Biotech Act), nhằm đẩy nhanh việc phát triển các giải pháp thay thế an toàn hơn cho thuốc trừ sâu truyền thống.
Việc EU từ bỏ kế hoạch cắt giảm thuốc trừ sâu có thể giúp các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam giảm áp lực trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường khắt khe. Tuy nhiên, EU vẫn là thị trường có đòi hỏi rất cao về chất lượng và sẽ tiếp tục siết chặt các tiêu chuẩn nhập khẩu, đặc biệt là về dư lượng thuốc trừ sâu.
Nông sản Việt Nam xuất khẩu sang EU vẫn phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe khác, bao gồm: Mức dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật (MRL); Chứng nhận kiểm dịch thực vật; Tỷ lệ kiểm tra; Quy định truy xuất nguồn gốc.
Từ những thông tin trên cho thấy, nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU vẫn đang phải đáp ứng những yêu cầu rất cao. Nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đã không đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của EU.
Doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư vào công nghệ canh tác sạch và đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn mới của EU để duy trì và mở rộng thị phần tại khu vực này.
Năm 2024, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt kim ngạch kỷ lục 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023. Trong đó, thị trường EU chiếm 11,3%.