![]() |
Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng đang tập trung triển khai hàng loạt giải pháp đồng bộ, từ chuyển đổi cơ cấu sản xuất, mở rộng nông nghiệp công nghệ cao đến phát triển chăn nuôi quy mô lớn, hướng đến một nền nông nghiệp hiện đại và bền vững. |
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng, mục tiêu trọng tâm từ nay đến cuối năm 2025 là tiếp tục cơ cấu lại ngành theo hướng toàn diện, bền vững, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản địa phương.
Toàn tỉnh đặt kế hoạch gieo trồng tổng diện tích 1.060.829 ha. Trong đó, tỉnh sẽ tập trung vào các cây trồng chủ lực có lợi thế so sánh lớn trên thị trường, bao gồm Lúa 167.004 ha, phấn đấu đạt sản lượng 1 triệu tấn tại các vùng trọng điểm như Đồng Kho, Tánh Linh, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Di Linh, rau các loại: 30.386 ha, mục tiêu sản lượng 1,73 triệu tấn, hoa: 3.776 ha, tập trung tại các vùng hoa nổi tiếng của Đà Lạt, Đơn Dương, Lạc Dương với sản lượng dự kiến 2,3 tỷ cành, cà phê: Chăm sóc và thu hoạch 322.286 ha, hướng tới sản lượng 991.086 tấn tại các vùng chuyên canh Bảo Lâm, Di Linh, Đắk Song, cây ăn quả và cao su: Tiếp tục phát triển với diện tích lần lượt là 115.493 ha và 75.349 ha.
Đáng chú ý, trong 6 tháng cuối năm, Lâm Đồng sẽ trồng mới ít nhất 13.000 ha cây trồng các loại. Song song đó, tỉnh sẽ quyết liệt rà soát, triển khai các kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh.
Đặc biệt, Sở sẽ đẩy mạnh hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong việc cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu, đặc biệt cho các sản phẩm chiến lược như sầu riêng, thanh long. Công tác kiểm tra, giám sát sẽ được siết chặt để ngăn chặn tình trạng gian lận, bảo vệ uy tín nông sản Lâm Đồng trên thị trường quốc tế.
Lĩnh vực chăn nuôi cũng được đặt mục tiêu tăng trưởng ấn tượng từ 5,2% trở lên. Để đạt được điều này, ngành nông nghiệp sẽ tập trung phát triển đàn vật nuôi theo quy mô lớn, hiện đại và an toàn sinh học, cụ thể đàn heo opấn đấu đạt 133.000 con, đàn bò: Đạt 6.638 con (trong đó có 1.130 bò sữa) và gia cầm: Đạt 15,3 triệu con.
Sở Nông nghiệp và Môi trường sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương để hỗ trợ di dời các trang trại chăn nuôi ra khỏi khu dân cư, đồng thời quy hoạch quỹ đất để phát triển các trang trại công nghiệp quy mô lớn theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Việc chuyển đổi sang các giống vật nuôi có năng suất, chất lượng cao và tăng cường công tác tiêm phòng dịch bệnh cũng là những giải pháp ưu tiên.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp và hỗ trợ ngư dân chuyển đổi từ khai thác gần bờ sang xa bờ với các trang thiết bị hiện đại.
Việc triển khai hiệu quả các giải pháp trọng tâm này không chỉ nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà còn góp phần quan trọng vào chương trình xây dựng nông thôn mới. Tỉnh Lâm Đồng phấn đấu đến hết năm 2025 sẽ có 80 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 9 xã nông thôn mới nâng cao và 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu, thay đổi toàn diện bộ mặt nông nghiệp, nông thôn của tỉnh./.