![]() |
Một số tỉnh có mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm trước. |
Tại Bạc Liêu quý I ước tăng 8,75%, trong đó cây hằng năm tăng 12,8% chủ yếu do địa phương chuyển một phần diện tích lúa thu đông năm 2024 sang gieo trồng vụ đông xuân năm 2025, đáng chú ý, sản lượng lúa vụ đông xuân tăng 13,8%.
Hay như Đắc Nông tăng 8,73% nhờ chăn nuôi tăng mạnh 18,1%; sản lượng một số cây lâu năm như xoài, cao su, hồ tiêu đạt khá.
Hoặc Hải Dương tăng 7,87%, trong đó sản lượng cây hằng năm tăng khá, nhất là hành củ, bắp cải, cà rốt, ngô...
Có thể kế đến: Quảng Ninh tăng 7,90%, trong đó ngành lâm nghiệp tăng cao do sau bão có nhiều diện tích rừng tiếp tục được khai thác, thu dọn để tái thiết rừng. Lạng Sơn tăng 7,23% nhờ sản lượng thịt lợn và gia cầm tăng 11-12%; sản lượng gỗ khai thác tăng 22,5%.
Yên Bái tăng 6,98%, trong đó sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tăng 8,9% so cùng kỳ; thịt gia cầm tăng 7,7% nhờ chuyển đổi hình thức nuôi truyền thống sang nuôi bán chuyên nghiệp, rút ngắn thời gian nuôi. Bên cạnh đó một số cây hằng năm và lâm nghiệp cũng đạt khá.
Một số tỉnh khác có mức tăng khá cao như: Quảng Trị tăng 6,35%; Tuyên Quang tăng 6,09%; Kon Tum tăng 6,01%...
Tổng hợp tình hình sản xuất nông lâm thủy sản quý I/2025 của các địa phương, cả 63/63 tỉnh, thành phố đều có kết quả tăng so cùng kỳ, trong đó hơn 60% số tỉnh, thành phố đạt mức tăng trưởng cao hơn mức tăng của quý I/2024.
Cục Thống kê, Bộ Tài chính nhận định, bức tranh sản xuất nông, lâm thủy sản tại các địa phương quý I/2025 có nhiều điểm sáng, tích cực, góp phần hiệu quả vào tăng trưởng chung của nền kinh tế nước ta.